Nghiên cứu đưa mặt hàng thịt heo vào diện bình ổn giá - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nội dung trên nằm trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý 1 năm 2020.
Đối với mặt hàng thịt heo, để kiểm soát tốt giá trong thời gian tới, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và các quy định, Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp, tập trung đảm bảo nguồn cung và kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường.
Các bộ liên quan có giải pháp sớm đưa giá heo hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg phấn đấu ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu phân phối và người tiêu dùng.
Có kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý 3. Có phương án điều hòa cung cầu thịt heo và báo cáo định kỳ hằng tháng.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về giảm giá bán heo hơi và việc cung ứng số lượng heo hơi. Kiểm tra giá thành heo hơi tại các doanh nghiệp, có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời và yêu cầu giảm giá theo đúng tinh thần chỉ đạo.
Cùng với việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tái đàn hợp lý, chăn nuôi an toàn, có biện pháp nhập khẩu đủ số lượng thịt còn thiếu để bổ sung cho đến quý 3, không để thiếu nguồn cung trong mọi trường hợp. Kiểm soát giá đầu vào mặt hàng thức ăn chăn nuôi, có giải pháp bình ổn giá, nghiên cứu đưa mặt hàng thịt heo vào danh mục bình ổn giá.
Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt heo qua các khâu. Từ đó làm rõ bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp, giảm thiểu các khâu trung gian gây tác động tiêu cực làm đẩy chi phí.
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán của các thương nhân mua bán thịt heo và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá cao; giám sát và xử nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu heo sống và thịt heo sống trái phép. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo thông quan hàng hóa, tuyên truyền sử dụng các sản phẩm thay thế thịt heo.
Thủ tướng cũng yêu cầu, với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, không điều chỉnh giá trong quý 2-2020, nhất là mặt hàng đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp. Trường hợp điều chỉnh phải xem xét tính toán liều lượng, mức độ, thời điểm phù hợp, nhất là sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, y tế. Cụ thể:
Mặt hàng xăng dầu: cần theo sát diễn biến giá thế giới, điều hành giá ổn định, không tăng giá đột biến.
Với mặt hàng điện: cơ bản không điều chỉnh tăng trong năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện giảm chi phí tránh lỗ và treo các khoản lỗ. Với mặt hàng gas kiểm soát chặt công tác kê khai giá, giám sát chặt nguồn cung trong nước và nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu.
Với mặt hàng gạo: Theo dõi diễn biến thị trường, để xuất giải pháp quản lý điều hành nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dự trữ quốc gia, quyền lợi người nông dân, sản xuất, người tiêu dùng.
Đối với mặt hàng vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch: Quản lý giá khẩu trang y tế phù hợp trên cơ sở nguyên tắc thị trường. Trường hợp tăng giá, cần báo cáo Thủ tướng áp dụng biện pháp bình ổn giá theo quy định; sửa đổi quy định về quản lý trang thiết bị y tế, bổ sung việc quản lý giá trang thiết bị y tế.
Đối với dịch vụ hàng không, BOT: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành triển khai việc thu phí không dừng, tăng kiểm tra để ngăn chặn, xử nghiêm việc gian lận, tiêu cực trong hạch toán doanh thu dự án BOT.
Sách giáo khoa: Xem xét để đưa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm đảm bảo công bằng trong biên soạn sử dụng sách. Với sách giáo khoa lớp 1 phục vụ năm 2021-2022, thực hiện theo quy định hiện hành, nhưng đề nghị các nhà xuất bản rà soát phương án giá đã kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí, tiếp tục hỗ trợ giảm giá.
Với mặt hàng nước sạch: địa phương căn cứ tình hình để thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sinh hoạt, giá dịch vụ, phí, lệ phí.
Vật liệu xây dựng, nhà ở: Theo dõi diễn biến giá trên thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là dự án trọng điểm, nhất là giá thép và giá cát. Giá thị trường bất động sản thương mại, nếu có biến động tăng giá thì có biện pháp quản lý, điều chỉnh cung cầu phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận