Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ nghe Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN báo cáo các vướng mắc trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế mới - Ảnh: Chinhphu.vn |
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan.
Người dân chi trực tiếp 47-49% chi phí y tế
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, có năm vấn đề khó khăn sau hai tháng triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế mới. Cho đến nay có tới 18 địa phương chưa có kế hoạch triển khai thực hiện Luật, thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có khó khăn, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân sẽ khó hơn giai đoạn trước, do những nhóm đối tượng chưa tham gia bảo hiểm là những nhóm khó khăn nhất.
Bà Hương cũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội đặc biệt, nhưng có 3 yêu cầu ngành y tế và bảo hiểm nhanh chóng thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đó là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới cơ chế tài chính để giảm chi từ tiền túi người dân trong tổng chi khám chữa bệnh, đồng thời mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế để đảm bảo thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân từ 2020.
Theo bà Hương, hiện người dân chi trực tiếp 47-49% chi phí y tế, là mức chi quá cao và không đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh.
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đồng ý để Bộ Y tế xây dựng một thông tư sửa đổi một số điểm còn vướng mắc trong thực hiện Luật bảo hiểm y tế mới, đó là không chi trả phí khám chữa bệnh trái tuyến ở các mô hình khám chữa bệnh khác (chỉ thanh toán chi phí khám trái tuyến tại bệnh viện), đồng thời cho phép mua bảo hiểm y tế cá nhân ở một số trường hợp cụ thể, không bắt buộc phải tham gia theo hình thức hộ gia đình với các nhóm đặc thù này.
Quỹ Bảo hiểm Y tế đang kết dư trên 35 ngàn tỷ đồng
Theo thống kê của Bộ Y tế, lũy kế ước tính đến hết 2014, Quỹ Bảo hiểm y tế còn kết dư 35,6 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 10 ngàn tỷ so với 2013.
Một thực tế nổi lên là một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có tỷ lệ thấp, nhất là đối tượng cận nghèo (mới tham gia 40%, khoảng 2,5 triệu người); hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống dưới trung bình; người lao động thuộc doanh nghiệp tư nhân và nhóm đối tượng tham gia tự nguyện…
Nhận định việc khó có thể đạt mục tiêu bao phủ toàn dân nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, một số ý kiến đề nghị đưa chỉ tiêu bảo hiểm y tế trở thành chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các địa phương hỗ trợ 30% mức đóng còn lại để bao phủ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ cận nghèo (hiện đối tượng cận nghèo được hỗ trợ 70%), khẩn trương ban hành hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với lực lượng vũ trang, tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mục tiêu phấn đấu đặt ra là đến năm 2015 đạt tỷ lệ bao phủ 75% dân số và đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ 80% dân số. Qua quá trình triển khai thực hiện, đến hết năm 2014, tỷ lệ bao phủ đã đạt được 71,6% dân số, vượt mục tiêu đề ra.
“Người bệnh được khám chữa bệnh và khi có bệnh hiểm nghèo được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất, đây là mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ đồng thời yêu cầu thời gian tới phải đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa chủ trương thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khám chữa bệnh, bảo đảm cho người tham gia bảo hiểm y tế được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao và chi phí của người bệnh giảm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau cuộc họp sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện tốt hơn nữa chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận