Ngày 6-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; xem xét, quyết định một số nội dung khác thuộc thẩm quyền.
Đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9 thể hiện sâu sắc tinh thần khi có vấn đề thực tiễn phát sinh thì Quốc hội họp ngay để giải quyết, đã làm, đã giải quyết là phải có hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ nhìn lại các kỳ họp bất thường phù hợp với thực tiễn, giải quyết được vấn đề của thực tiễn và giải quyết được nguyện vọng của nhân dân.
Mục tiêu lần này của Đảng đặt ra tinh giản bộ máy theo nghị quyết 18, đây là một cuộc cách mạng về bộ máy. Bộ máy tinh gọn hơn, con người chất lượng hơn.
Theo Thủ tướng, qua rà soát thực hiện các mục tiêu nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho thấy khó khăn nhất là tăng trưởng.
Đây là chỉ tiêu cơ bản nhất trong đánh giá sự phát triển của một đất nước, phản ánh quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động...
"Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của 5 năm 2021 - 2026, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo 2026 - 2030...
Do đó phải ưu tiên tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của đất nước", Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, hai bên cần tiếp tục phối hợp thật tốt, hiệu quả, nguyên tắc xây dựng luật pháp với tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa; biết đến đâu, quản đến đó.
Đi đôi với việc phân cấp, phân quyền thì phải phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát kiểm tra, giảm thủ tục hành chính, bớt các thủ tục hành chính không cần thiết và chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
Đối với các dự án luật trình tại kỳ họp bất thường thứ 9, Thủ tướng cơ bản thống nhất với các ý kiến trao đổi.
Đồng thời cho rằng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên theo hướng đơn giản hơn, để nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các nội dung còn thiếu theo đề nghị, đảm bảo cho quá trình thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.
Ông mong muốn các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy tinh thần đã làm tốt rồi thì phải làm tốt hơn nữa với tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân lên trên hết, trước hết.
Khó nhưng phải làm
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh thời gian tới khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 không còn nhiều, nên đề nghị trên tinh thần khẩn trương, "vừa chạy, vừa xếp hàng".
Cùng với đó tăng cường làm thêm giờ, cả thứ bảy, chủ nhật để hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp.
Liên quan đến các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), ông đề nghị cần bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Đồng thời phải phù hợp với tinh thần sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo nghị quyết 18. Với các vấn đề vượt quá luật quy định cần xin ý kiến các cơ quan thẩm quyền.
Nhấn mạnh kỳ họp bất thường lần thứ 9 có nội dung rất quan trọng, rất khó nhưng vì sự phát triển của đất nước, ông Mẫn đề nghị các bên liên quan cần tiếp tục tập trung cao độ, nỗ lực tối đa.
Phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị toàn bộ nội dung trình Quốc hội cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối, góp phần thành công của kỳ họp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận