Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng công trình phải đảm bảo an toàn - Ảnh: EVN
Nhấn mạnh những công trình thủy điện lớn như thủy điện Hòa Bình là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong thời kỳ đổi mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thủy điện Hòa Bình là biểu tượng, mối quan hệ giữa Liên Xô (cũ) trước đây và hiện nay là Nga, với hàng ngàn kỹ sư, lao động hăng say lao động, hi sinh quên mình để làm nên công trình.
Khi khánh thành, đây là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, đến nay đã sản xuất ra sản lượng điện là 250 tỉ kWh.
Theo Thủ tướng, việc nghiên cứu khởi công nhà máy thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2 là thể hiện sự kế thừa, phát huy sáng tạo của thế hệ hôm nay tiếp nối thế hệ đi trước.
Đặt trong bối cảnh ngành điện có ý nghĩa lớn cho phát triển đất nước, việc bổ sung công suất mới nguồn và lưới điện rất cần thiết, Thủ tướng đánh giá cao ngành điện đã vươn trong top đầu ASEAN, hơn 99% hộ nông thôn có điện, chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện, tăng 129 bậc. Vì vậy nếu không chủ động những công trình điện lớn thì khó có thể đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Thông tin về dự án, ông Trần Đình Nhân - tổng giám đốc EVN - cho hay dự án có tổng mức đầu tư 9220 tỉ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30%. 70% còn lại là nguồn vốn vay thương mại trong nước (4.000 tỉ đồng) do một ngân hàng thương mại trong nước thu xếp và vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ (70 triệu euro của Cơ quan phát triển Pháp - AfD).
Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy mới sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập đâng, đập tràn với công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay.
Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - nhấn mạnh dự án đi vào vận hành sẽ giúp tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ để phát điện. Đồng thời giúp ổn định tần số hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm chi phí của hệ thống.
Chỉ đạo việc triển khai xây dựng công trình, nhấn mạnh đây là công trình lớn, điều kiện thi công trong lòng thành phố với khối lượng phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần đưa nhà máy vào vận hành đầu năm 2023, tuyệt đối an toàn chất lượng công trình, an toàn vận hành và an toàn cho hạ du, không để bất cứ sự cố gì xảy ra.
"Các đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tư vấn giám sát để làm sao công trình này tuyệt đối an toàn lâu dài cho hạ du và tỉnh Hòa Bình" - ông cũng nhấn mạnh địa phương cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh an toàn trên công trường.
Ông cũng yêu cầu EVN đảm bảo chủ động cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, không ngừng nâng cao chất lượng, phục vụ tốt nhất nguồn điện cho đời sống, sinh hoạt, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Với các công trình lớn đang xây dựng, cần lưu ý đảm bảo việc xây dựng sơ đồ điện VIII phải chặt chẽ, công khai.
Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm.
Sau khi hoàn thành công trình, sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt 2400 MW.
Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 của dự án sẽ phát điện vào quý 3-2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý 4-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận