Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
"Nếu nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng, Việt Nam sẽ tiến cùng thời đại. Nhận thức này cần được biến thành hành động, tháo gỡ rào cản cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển", Thủ tướng nói.
Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình cần làm chủ công nghệ
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Thủ tướng cho biết các bài phát biểu trong diễn đàn đã nêu kinh nghiệm, định hướng, kiến nghị sâu sắc đến Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh những lãnh đạo các bộ ban ngành ở đây nếu có thể lắng nghe và giải quyết sẽ giúp doanh nghiệp công nghệ phát triển.
Thủ tướng giao lại các vấn đề này cho Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông làm chỉ thị, chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ để trình Chính phủ trong tháng 6, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai phát triển công nghệ.
Sau khi lắng nghe ý kiến, đề xuất của hàng loạt các doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ, Thủ tướng đã nêu hàng loạt giải pháp để phát triển công nghệ.
Trước hết, Thủ tướng khẳng định phải xác định công nghệ là nhân tố chính đưa Việt Nam thành nước phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình. Muốn tăng thu nhập trung bình phải phát triển công nghệ để đến năm 2045, nước ta phải trở thành nước công nghiệp thịnh vượng. Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình cần làm chủ công nghệ, hoàn thiện quản lý.
"Hiện Việt Nam mới mua các dây chuyền công nghệ. Trong tương lai, nước ta không chỉ hấp thụ, làm chủ công nghệ mà cần phát minh, sáng chế công nghệ; dùng công nghệ nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, từ đó vươn ra giải quyết bài toàn toàn cầu", Thủ tướng nói.
Cần hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số
Thủ tướng cho rằng tiềm năng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là rất lớn. Đó là con người thông minh, sáng tạo, cần cù, thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ đi vào mọi ngõ ngách, tạo ra một quốc gia thông minh.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Cơ hội đến từ chính sự nỗ lực trong thách thức đó, phát huy lợi thế trong thời đại số. Cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, chủ yếu dựa vào nhân lực công nghệ chất lượng cao. Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, hành động cụ thể, kịp thời, hành động đồng bộ để chuyển đổi nền kinh tế".
Thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến. Chúng ta cần hành động, hành động và hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số. Những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần nhường cho những giải pháp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, Việt Nam cần hành động ngay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
"Sau 30 năm lắp ráp, Việt Nam có đủ điều kiện để sáng tạo công nghệ, cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để trở thành doanh nghiệp công nghệ", Thủ tướng bày tỏ lòng tin.
Từ đó, Thủ tướng cho rằng đầu tiên, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Doanh nghiệp cần nhận thức đúng về cuộc cách mạng lần thứ 4. Cần khuyến khích doanh nghiệp lớn đã thành công thể hiện tinh thần trách nghiệm, đặt sứ mệnh doanh nghiệp gắn liền với sứ mệnh quốc gia. Các doanh nghiệp vươn ra và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
"Chính phủ cùng các bộ liên quan sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Muốn có doanh nghiệp công nghệ cần tạo ra thị trường.
Đầu tiên và then chốt nhất là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo. Sau đó là hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển", Người đứng đầu Chính phủ cam kết.
Thủ tướng đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng cần đổi mới giáo dục để nâng cao năng lực tiếp cận và cho biết Chính phủ sẽ sớm chỉ đạo Bộ GD-ĐT đưa các nội dung giáo dục về công nghệ vào chương trình giáo dục phổ thông.
Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu giải quyết các vấn đề cụ thể như liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút nhân lực nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số…
Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì, với sự đồng hành của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ như VNG, VCCorp, Bkav, VinSmart, CMC, Misa…
Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ tập trung thảo luận về bốn nhóm chủ đề, bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ.
Diễn đàn thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận