Thủ tướng lắng nghe ý kiến các chuyên gia của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế - Ảnh: Chinhphu.vn
Đó là nhấn mạnh được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế chiều tối 19-1.
Nhấn mạnh đến các bài học, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế, nói thành tựu năm 2020 là dựa trên nền tảng của 3 năm trước đó.
"Chúng ta đã làm tốt việc ổn định và khôi phục tăng trưởng, nếu không có kết quả của 3 năm trước thì sự ổn định của năm 2020 rất khó" - ông Thiên khẳng định, đồng thời cho rằng Chính phủ đã rất coi trọng, thúc đẩy kinh tế tư nhân, giúp cho tăng trưởng.
Tuy vậy, ông Thiên cho rằng cùng với trạng thái bình thường mới cần chuyển đổi sang nền kinh tế số. Do đó nên dành một phần nguồn lực của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo hơn nữa. Cạnh tranh với thế giới là cạnh tranh về cấu trúc thể chế hiện đại, cần tiếp tục đổi mới thể chế.
Các chuyên gia cho rằng tình hình năm 2021 chỉ khả quan khi dịch bệnh được kiểm soát, nên các giải pháp tập trung là phòng chống dịch, kích thích xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư công.
Tuy vậy, TS Đào Văn Hùng - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, giám đốc Học viện Chính sách và phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) - cho rằng việc gia tăng đầu tư công giúp bù lại khoản đầu tư tư nhân bị yếu để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên khi kinh tế phục hồi thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng.
TS Nguyễn Xuân Thành - Trường đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế - băn khoăn về áp lực lạm phát nên kiến nghị phải tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô; thúc đẩy phục hồi tiêu dùng dân cư, đầu tư tư nhân; tiếp tục gia cố chính sách, không đảo chiều chính sách.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, cần tập trung phục hồi kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn kép nhằm tận dụng hiệu quả hội nhập, gọi là tuần hoàn quốc tế và tuần hoàn thị trường nội địa. Gắn với đó, thể chế cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, kinh tế số, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và thực thi phải tốt hơn; phân bổ nguồn lực tốt hơn và tiếp tục hỗ trợ.
Thủ tướng đánh giá Việt Nam đã chuẩn bị cho một nền tảng quan trọng theo năm 2021 và 5 năm đến một cách căn bản về năng lực sản xuất kinh doanh, về hệ thống kinh tế vĩ mô. Đặc biệt trong thử thách của dịch bệnh, dân tộc bừng lên sức sống, thể hiện ý chí khát vọng, là nền tảng tạo luồng sinh khí cho thời gian tới.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp. Do đó, việc chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế...
"...Nếu pháp luật tốt, hoàn thiện thì doanh nghiệp và người dân sẽ tăng cường đầu tư đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt khát vọng phát triển", Thủ tướng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận