Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá thị trường có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn, có lúc lãi, có lúc lỗ; đó là vấn đề quy luật. Vừa qua, đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản được đưa ra, bước đầu có chuyển biến tích cực.
Cần chung tay giải quyết các vướng mắc của thị trường
Tuy nhiên do tình hình kinh tế khó khăn, không thể giải quyết dứt điểm một sớm một chiều. Do đó tinh thần là khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các chủ thể gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, các doanh nghiệp bất động sản, các khách hàng, người dân có nhu cầu mua bán bất động sản đều phải cùng nhau giải quyết.
Thêm nữa, cần đề cao trách nhiệm của mỗi chủ thể vì lợi ích chung, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" với tinh thần tiếp tục thúc đẩy giải quyết khó khăn.
"Một cuộc họp không thể giải quyết những tồn tại kéo dài nhiều năm nay, quan trọng là chung tay tháo gỡ về mặt pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch, đất đai, định giá, các vấn đề liên quan tài chính, ngân hàng, thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền. Trên cơ sở đó giải quyết hiệu quả, để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" - Thủ tướng nêu.
Tiếp cận vốn vay khó, lãi suất cao lên tới 11-12%
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất; nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện…
Thêm nữa, việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp bất động sản vẫn không dễ dàng, chủ yếu do lãi suất cao, pháp lý dự án và niềm tin thanh khoản thị trường (lãi suất thực khoảng 11-12%/năm).
"Việc hạ, giảm lãi suất 0,5-2% trong thời gian qua là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và hệ thống ngân hàng. Song nếu rút ngắn thời gian dự án có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoản lãi suất lên tới 12-15% chi phí vốn" - báo cáo nêu.
Hiệp hội này cũng cho rằng quy định chặt chẽ về kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản giúp lành mạnh hóa thị trường. Song năng lực tài chính của đại đa số doanh nghiệp còn hạn chế, vốn chủ sở hữu thấp, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng nên khó tiếp cận vốn.
Thêm nữa, lãi suất vay theo gói 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội quá cao (doanh nghiệp 8,7%, người mua nhà 8,2%/năm) nên chủ đầu tư và người mua nhà khó khăn.
Tổng cầu sụt giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc, nhất là nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và đất nền. Niềm tin thị trường suy giảm mạnh.
Theo khảo sát sơ bộ của hiệp hội, có đến 2/3 số doanh nghiệp gần như không có hoạt động phát triển dự án mới trong 1 năm qua. Doanh nghiệp môi giới bất động sản cắt giảm 50-70% nhân sự. Đa số các nhà đầu tư không xuống tiền vào thị trường bất động sản trong giai đoạn vừa qua.
Dồn lực tăng tổng cầu cho thị trường
Theo Hiệp hội Bất động sản, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần tăng tổng cầu và tạo nguồn cung chủ lực cho thị trường bất động sản.
Có giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng...
Xem xét áp dụng mức giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền. Tiếp tục giảm tiền thuê đất, ưu đãi tiền thuê đất, kéo dài thời gian cho phép các nhà đầu tư chậm nộp tiền ký quỹ...
Hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản và tháo gỡ khó khăn về thủ tục, hỗ trợ về lãi suất/phí đối với giao dịch bất động sản thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận