05/09/2017 19:21 GMT+7

Thủ tướng chủ trì hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Chiều 5-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với một số bộ, ngành về tổ chức hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100, kéo dài 2 ngày 26 và 27-9, tại Cần Thơ.

Hội nghị dự kiến có khoảng 500 đại biểu tham dự, trong đó sẽ mời các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các tổ chức, đối tác phát triển, doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển ĐBSCL.

Bên cạnh phiên toàn thể, hội nghị sẽ có các phiên thảo luận chuyên đề như tổng quan về thách thức, cơ hội, giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL; quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và cơ chế điều phối vùng; chuyển đổi sinh kế bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, chống sụt lún, sạt lở; nhu cầu phát triển và nguồn lực.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, kết luận cuộc làm việc chiều 5-9, Thủ tướng nêu rõ đây là hội nghị quan trọng để bàn một cách có hệ thống toàn vùng trong việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Thủ tướng yêu cầu công tác chuẩn bị tỉ mỉ, cẩn thận để nâng cao hiệu quả của hội nghị, trong đó có việc đổi mới tư duy phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, phải là tiếng nói khách quan, có cơ sở khoa học trong vấn đề chuyển đổi cũng như các giải pháp tổng thể và cụ thể.

Phải có phương án dễ hiểu, dễ vận dụng, có tính chất toàn vùng, liên vùng, không để riêng rẽ, bị động. Áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào quản lý trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn.

Thủ tướng đặt yêu cầu về tìm nguồn lực, cơ chế tài chính phù hợp để hỗ trợ phát triển ĐBSCL; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân ĐBSCL. 

Đặc biệt, sau hội nghị, cần soạn thảo nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu để trình Chính phủ xem xét, thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 9-2017. 

Cũng trong ngày 5-9, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 

Theo kế hoạch, các bộ ngành, cơ quan liên quan sẽ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế làm việc của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; quyết định thời gian huấn luyện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong chương trình đào tạo của từng năm học đối với sinh viên, học viên đào tạo trong học viện, nhà trường; quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Kế hoạch cũng giao các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng thực hiện xây dựng các kế hoạch ứng phó sự cố và tìm kiến cứu nạn gồm: kế hoạch ứng phó sự cố động đất, sóng thần; kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; kế hoạch ứng phó sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; kế hoạch ứng phó bão, áp thấp, lũ, lụt; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đai....

ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nơi trú ngụ của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam. Vùng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, vùng chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với những biểu hiện, tác động hiện hữu, cực đoan về hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún…

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên