Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm - Ảnh: TTXVN
Chiều 2-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021, nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện phương châm "5 thật" (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và người dân, doanh nghiệp hưởng thành quả thật) và "3 không" (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm).
Các đại biểu tập trung bàn các vấn đề trên tinh thần những vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương thì địa phương giải quyết; những vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành thì Chính phủ và các bộ, ngành có trách nhiệm giải quyết; vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ thì tổng hợp, đề nghị, trình cấp có thẩm quyền giải quyết, quyết định.
Sau khi nghe dự thảo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đã thảo luận về những kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế cần khắc phục, bài học kinh nghiệm rút ra trong 6 tháng đầu năm và phân tích, dự báo tình hình, đề xuất các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2021.
Trong đó, lãnh đạo các địa phương cho rằng mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2021 tình hình phát triển kinh tế - xã hội gặp bất lợi do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng, sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên đạt được kết quả khá.
Các địa phương đồng tình và quyết tâm thực hiện 13 nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép, phấn đấu đạt các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và các chỉ tiêu mà Quốc hội giao.
Các địa phương cũng đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thủ tục để đẩy mạnh giải ngân và triển khai các dự án, công trình trọng điểm tại các địa phương; đẩy mạnh tìm nguồn, tăng phân bổ vắc xin phòng COVID-19 cho các địa phương, nhất là địa phương có đông công nhân, nhiều khu công nghiệp.
"Nỗ lực nhiều hơn, phấn đấu cao hơn"
Thủ tướng kết luận phiên họp - Ảnh: TTXVN
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đạt được một số chỉ tiêu quan trọng: các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%); thu ngân sách đạt gần 58% dự toán; an sinh xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường… Những thành quả đó góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn có một số hạn chế như: tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, song chưa vững chắc; giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA vẫn chậm; dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương; sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân một số nơi còn khó khăn; an ninh, trật tự tiềm ẩn nguy cơ...
Thủ tướng cho rằng nguyên nhân của những hạn chế, một phần do vẫn còn một bộ phận nhân dân, địa phương lơ là, chủ quan trước dịch bệnh, song cũng có người, địa phương mất bình tĩnh, lúng túng khi có dịch nên đưa ra các giải pháp thiếu hiệu quả;
Một số người đứng đầu chưa bao quát hết công việc, chưa sâu sát, quyết liệt trong công việc; việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa triệt để, nên gây ách tắc, tạo nhiều khâu trung gian, trách nhiệm giữa các cấp, ngành có lúc không rõ, gây kém hiệu quả, hiệu lực điều hành, giải quyết công việc; việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách vẫn còn lúng túng, chưa quyết liệt; chưa huy động được nguồn lực trong xã hội một cách hiệu quả, trong khi dư địa còn rất lớn…
Ông chỉ ra bài học kinh nghiệm là: biết kế thừa những thành quả, bài học hay, kinh nghiệm quý của những năm trước, người đi trước và áp dụng linh hoạt, phát triển phù hợp với tình hình mới; sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nội bộ, trong từng ngành, các địa phương và đoàn kết toàn dân; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của người đứng đầu sát với tình hình thực tế và đưa ra những giải pháp phù hợp; kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, xử lý, kỷ luật kịp thời…
Về phương hướng nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo, Thủ tướng cho biết tình hình có cả thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, phấn đấu cao hơn, lấy khó khăn thách thức là động lực, mục tiêu phấn đấu để trưởng thành, phát triển và chủ động xây dựng kịch bản phù hợp để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chưa điều chỉnh mục tiêu phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra và Quốc hội đã giao; tiếp tục điều hành linh hoạt 2 kịch bản tăng trưởng là 6% và 6,5%. Các địa phương căn cứ vào các mục tiêu chung của cả nước để xây dựng kịch bản phù hợp với địa phương mình.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiên trì, cương quyết thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, song phải hài hòa, hợp lý, hiệu quả, căn cứ tình hình từng lúc, từng nơi để thực hiện ưu tiên phòng chống dịch hay phát triển kinh tế hoặc là tiến hành đồng thời.
Trên cơ sở đó đề nghị phát huy cao nhất tính chủ động, tích cực, linh hoạt trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, không trông chờ, ỉ lại; Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào thực hiện mục tiêu kép; Không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, văn hóa, môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lấy việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trước hết, trên hết.
Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn; cá thể hóa trách nhiệm mạnh hơn; tăng cường giám sát, kiểm tra; chống quan liêu, tiêu cực, lãng phí. Trong đó, Trung ương chỉ tập trung quản lý vĩ mô, với tinh thần biết đến đâu quản lý đến đó; phân cấp, phân quyền quản lý mạnh cho cơ sở.
Về những giải pháp để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Những địa phương đang có dịch phải ưu tiên cho phòng, chống dịch, với tinh thần phát hiện sớm, cách ly nhanh, khoanh vùng dập dịch tích cực, sớm ổn định tình hình; xác định trọng tâm, trọng điểm để tập trung phòng, chống dịch hiệu quả, không phân tán nguồn lực và thiếu tập trung, xử lý không dứt điểm; tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát những vướng mắc về thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách thuận tiện, hiệu quả nhất; không để đứt gãy chuỗi cung ứng và nguồn lao động trong nước và ngay tại từng địa phương;
Thúc đẩy đầu tư công theo nghị quyết của Chính phủ, nếu có vướng mắc thì cần tháo gỡ ngay; tăng cường chuyển đổi số; mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; triển khai các biện pháp tăng thu và giảm chi ngân sách nhà nước; đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu; tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để người dân phải lo an toàn, an ninh;
Tăng cường thông tin, truyền thông, truyền cảm hứng để người dân đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép; tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai sự thật…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận