Cụ thể, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và triển khai dự án khí Lô B đúng kế hoạch tiến độ, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.
Đàm phán dứt điểm, không để chậm trễ, đảm bảo lợi ích các bên
Bộ trưởng Bộ Công Thương, chủ tịch hội đồng thành viên và tổng giám đốc PVN khẩn trương chỉ đạo, thực hiện đàm phán dứt điểm để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và triển khai dự án khí Lô B đúng kế hoạch tiến độ, quy định, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Đề nghị thực hiện khẩn trương, không để chậm trễ, kéo dài gây phát sinh khó khăn, phức tạp.
Trước đó, Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Mitsui (MOECO) của Nhật Bản - nhà đầu tư góp vốn trong dự án khí Lô B và đường ống khí Lô B - đã có thư khẩn tới nhiều cơ quan, đề nghị sớm giải quyết một số kiến nghị của chuỗi dự án khí - điện Lô B có quy mô lên tới 30 tỉ USD.
Theo nhà đầu tư này, để dự án có quyết định đầu tư cuối cùng và thực hiện gói thầu EPCI#1 trước ngày 30-6, cần phải hoàn tất và ký kết các thỏa thuận mua bán khí (GSPA), vận chuyển khí (GTA) trong tháng 6-2023.
Hợp đồng chia sản phẩm (PSC) của dự án cũng cần được gia hạn để đảm bảo thời gian khai thác là 23 năm.
Tuy nhiên, với nhiều vướng mắc cùng quá trình chuyển giao dự án nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 (nằm trong chuỗi dự án khí - điện Lô B, các nhà máy điện sử dụng khí Lô B) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PVN diễn ra trong tháng 6, nên những công việc trên được MOECO đề xuất đã không thể triển khai kịp thời.
Trước tình thế đó, hồi tháng 7, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Chính phủ về việc tháo gỡ các vướng mắc và thúc đẩy tiến độ cho chuỗi dự án. Trong đó nhấn mạnh đến nghĩa vụ bao tiêu khí thượng nguồn phải được cụ thể hóa, chuyển thành sản lượng điện tương ứng trong hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện sử dụng khí Lô B.
Giải quyết vướng mắc về nghĩa vụ bao tiêu khí
Bộ Công Thương cho rằng sau khi các nhà máy điện sử dụng khí Lô B đi vào vận hành thương mại, chủ đầu tư các nhà máy điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) có trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch vận hành, lập lịch và huy động các tổ máy hằng ngày, hằng tuần, tháng, năm phù hợp để đảm bảo tiêu thụ hết lượng khí Lô B.
Đồng thời có cơ chế sử dụng lượng khí chưa tiêu thụ hết của năm trước, hoặc xử lý trong trường hợp tiêu thụ quá lượng khí trong năm trước, đảm bảo không gây thiệt hại về kinh tế.
Phản hồi với nhà đầu tư, Bộ Công Thương cho biết đã có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc đàm phán các hợp đồng/thỏa thuận thương mại của chuỗi dự án (bao gồm nguyên tắc bao tiêu khí thượng nguồn cũng như tính đồng bộ giữa các hợp đồng thương mại).
Bộ Công Thương khẳng định việc đàm phán, thống nhất các nội dung cụ thể của hợp đồng mua bán khí hoàn toàn phụ thuộc trách nhiệm của MOECO, PVN và các bên liên quan tham gia chuỗi dự án.
Do đó, bộ này đã đề nghị MOECO hợp tác với PVN trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với PVN và các bên liên quan khẩn trương hoàn thành đàm phán hợp đồng mua bán khí, nhằm có quyết định đầu tư cuối cùng, đảm bảo tiến độ có dòng khí đầu tiên vào quý 4-2025.
Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn là chuỗi dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn. Dự án đường ống dẫn khí được xây dựng từ năm 2009, là dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí, song quá trình triển khai các chuỗi dự án liên quan bị chậm trễ, kéo dài.
Trữ lượng thu hồi dự kiến của dự án là 3,78 tỉ bộ khối (khoảng 107 tỉ m³) và 12,65 triệu thùng condensate; với tổng chi phí phát triển khoảng 11 tỉ USD (thời giá 2016).
Sau khi hoàn thành, dòng khí từ các mỏ Lô B sẽ được vận chuyển qua đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đến các đơn vị tiêu thụ hạ nguồn, bao gồm 4 nhà máy điện (Ô Môn 1, 2, 3, 4) tại TP Cần Thơ, với tổng nhu cầu khí cho tổ hợp khoảng 5 tỉ m³/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận