Sáng 7-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chỉ ra thực tế khó khăn của các tổ chức tín dụng, Thủ tướng bày tỏ sốt ruột khi mức tăng trưởng tín dụng thấp và không đồng đều, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn.
Đến hết tháng 11, dư nợ tín dụng mới tăng chưa đến 9%, cùng kỳ tăng 12% và chỉ tiêu cho cả năm 2023 là khoảng 14%; dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn trên 700.000 tỉ đồng cấp cho nền kinh tế.
Còn tới hơn 700.000 tỉ đồng vào nền kinh tế trong tháng cuối năm
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội; nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro của một số tổ chức tín dụng yếu kém, ảnh hưởng an toàn hệ thống.
Chỉ ra nguyên nhân, Thủ tướng phân tích thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp, cứng nhắc, lãi suất vẫn còn cao; giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, không đáp ứng được yêu cầu cho vay, yêu cầu tài sản đảm bảo, một số chính sách điều hành còn hơi cứng, chưa sát tình hình, cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm...
Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các chủ thể liên quan cùng vào cuộc có trách nhiệm, chống tiêu cực, không hạ chuẩn tín dụng nhưng xử lý linh hoạt. Kịp thời xử lý những vướng mắc thực tiễn, có cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, loại bỏ công cụ hành chính.
Đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chính sách tài khóa liên quan vốn, phí, lệ phí, đầu tư công... hỗ trợ chính sách tiền tệ. Doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc hợp lý thị trường, hạ giá thành.
Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, nguồn vốn phục vụ, người đứng đầu Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, giảm lãi suất, có gói tín dụng ưu đãi, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Trình cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các hoạt động mới như Fintech, cho vay trực tuyến…
Công khai lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng
Công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng và lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
Triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Triển khai gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Triển khai quyết liệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm trong tình trạng người dân đến gửi tiền tại ngân hàng thì được môi giới mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao hơn.
Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng.
Bộ Công an tiếp tục chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Có giải pháp quyết liệt xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo điều kiện (môi trường) củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận