13/03/2020 15:51 GMT+7

Thủ tướng: Cảnh sát giao thông mang tiếng nhiều, nộp phạt qua mạng tạo môi trường tốt

N.AN - T.HÀ
N.AN - T.HÀ

TTO - 11 dịch vụ công trực tuyến liên quan đến đời sống người dân, doanh nghiệp như nộp thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ, giấy khai sinh, nộp phạt vi phạm giao thông... sẽ được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng: Cảnh sát giao thông mang tiếng nhiều, nộp phạt qua mạng tạo môi trường tốt - Ảnh 1.

Chính thức vận hành 11 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ - Ảnh: Chính phủ

Chiều 13-3, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố bổ sung 11 dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, sơ kết 3 tháng vận hành, và ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sự kiện này có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và Tổ chức Y tế thế giới công bố đây là đại dịch toàn cầu.

Thêm 11 dịch vụ, chủ yếu thanh toán điện tử

Hội nghị này tích hợp 11 dịch vụ công như thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ôtô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; dịch vụ Hủy tờ khai hải quan, Khai bổ sung hồ sơ hải quan; dịch vụ Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; dịch vụ đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp... 

Mục tiêu là giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong thực hiện các thủ tục, hạn chế đi lại và tương tác trực tiếp.

Điểm chung của các dịch vụ công được tích hợp lần này là chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, đáng chú ý là dịch vụ thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Hiện nay người vi phạm thường phải qua cơ quan công an hoặc bưu điện để nhận quyết định xử phạt và đến kho bạc để nộp phạt, sau đó quay về nơi ra quyết định xử phạt trình biên lai đóng tiền để được nhận lại các loại giấy tờ.

Việc nộp phạt và nhận lại giấy tờ vi phạm như vậy mất không ít thời gian và chi phí đi lại, chờ đợi, đặc biệt, những trường hợp đang cư trú tại một địa phương nhưng lại vi phạm giao thông ở một địa phương khác; hoặc trường hợp không có thời gian đi lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nộp phạt và nhận lại giấy tờ xe.

Giản phiền hà nhũng nhiễu, phòng chống dịch

Tuy nhiên với việc tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, căn cứ trên biên bản xử phạt, người dân trên cả nước nếu vi phạm giao thông tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận chỉ mất khoảng 3 phút để truy nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia nộp phạt và lựa chọn đăng ký nhận kết quả tại nhà qua bưu điện.

Khi hồ sơ vi phạm giao thông đến hạn trả cho người vi phạm, cơ quan công an sẽ bàn giao cho bưu điện để chuyển trả đến tận địa chỉ người sử dụng đăng ký trên cổng. Người sử dụng có thể chọn hình thức chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát thường, hệ thống sẽ hiển thị thời gian và mức phí chuyển phát giấy tờ.

Với việc đưa vào tích hợp 11 dịch vụ công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí rất lớn, giảm biên chế, mà còn góp phần phòng chống tham nhũng.

"Không có gặp nhau và nói qua nói lại những chuyện phức tạp, nhất là cảnh sát giao thông mang tiếng việc này nhiều lắm, rồi thuế, hải quan. Việc không phải gặp người nộp phạt, người nộp thuế thì sẽ tạo môi trường tốt cho cán bộ công chức, giảm phiền hà, đồng thời giúp phòng chống dịch, tạo dịch vụ tốt cho người dân" - Thủ tướng nói.

Với 19 dịch vụ công được vận hành, vẫn còn nhiều dịch vụ khác chưa được đưa vào, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi khi tương tác qua cổng. 

Vận hành hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ tiết kiệm 460 tỉ đồng/năm

Trong chiều 13-3, Văn phòng Chính phủ khai trương một số phân hệ của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Theo tính toán, nếu điện tử hóa tất cả các báo cáo với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, ước tính chi phí tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước sẽ khoảng 460 tỉ đồng/năm.

Mục tiêu đặt ra của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo; góp phần chuyển đổi phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số được tổng hợp, phân tích theo thời gian thực, hiển thị trực quan thông qua các hệ thống thông tin, bảng hiển thị.

Thủ tướng: Thủ tướng: 'Vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế - xã hội'

TTO - Các tập đoàn, doanh nghiệp cần góp phần vào công cuộc chống dịch, đảm bảo cung ứng hàng hóa và tận dụng cơ hội trong đại dịch. Chính phủ sẽ sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

N.AN - T.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên