Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại "Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường", do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 31-12.
Cùng tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Đánh giá tài nguyên chiến lược để có phương pháp tiếp cận, khai thác hiệu quả
Ngoài những biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu về những đóng góp của bộ, ngành tài nguyên và môi trường đối với phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng nêu rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung đánh giá, điều tra tài nguyên chiến lược, trong đó đặc biệt là đất hiếm để có cơ sở, phương pháp tiếp cận, khai thác có hiệu quả. "Đất hiếm phải quy hoạch xem là bao nhiêu, những loại nào, khai thác ra sao cho hiệu quả...", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục xây dựng hệ thống chính sách pháp luật, trước mắt hoàn thành bằng được Luật Đất đai sửa đổi để Quốc hội thông qua trong kỳ họp gần nhất.
Triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2023 mới được Quốc hội thông qua. Đồng thời đẩy nhanh Luật Địa chất và Khoáng sản để Chính phủ xem xét trình Quốc hội năm 2024.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, đồng thời phân cấp, ủy quyền tối đa.
Tuy nhiên, phải bảo đảm phân cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát việc thực thi và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng lấy ví dụ, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện nay còn rườm rà, 10ha lúa, 20ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội, cản trở sự phát triển.
Thủ tướng cho rằng cần phân cấp cho địa phương quyết định vấn đề này.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên của đất nước. Tiếp tục tổ chức hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, chống biến đổi khí hậu, và xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước.
Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành tài nguyên và môi trường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau và ý kiến người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thông qua việc tiếp tục xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực. Đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận