Phiên họp đã thảo luận ba dự án luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi); và hai đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Xác định đối tượng áp dụng chính sách thuế phù hợp từng doanh nghiệp
Tại phiên họp, các ý kiến đã thảo luận về các nội dung dự thảo luật. Trong đó, dự thảo sửa đổi Luật Cảnh vệ đã làm rõ sự cần thiết phải áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không phải là đối tượng cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tập trung vào việc cần tiếp tục hoàn thiện các quy định có liên quan về phòng, chống mua bán người...
Với dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), các vấn đề được thảo luận như thẩm quyền, phạm vi quy định chi tiết thi hành luật; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; tiêu chuẩn công chứng viên, việc đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên...
Với Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) là các nội dung phân cấp, phân quyền trong thi hành án dân sự; kiểm soát quyền lực, khuyến khích mở rộng thỏa thuận dân sự, song phải được luật pháp công nhận; chế tài xử phạt...
Đối với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các nội dung thảo luận là giải pháp thực hiện các chính sách để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật. Mục tiêu nhằm tạo thuận lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào môi trường đầu tư, kinh doanh.
Việc xác định đối tượng áp dụng các chính sách thuế phù hợp với từng loại doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị công lập, thực hiện nhiệm vụ chính trị…; chính sách ưu đãi; chế tài chống thất thu thuế; bảo đảm tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách trong quá trình triển khai. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước an toàn và bền vững...
Trên cơ sở các ý kiến, Thủ tướng yêu cầu tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình theo quy định.
Nhấn mạnh "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng khẳng định thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật
Do đó phải đổi mới tư duy trong xây dựng luật; có cơ chế, chính sách để huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển; đổi mới cách làm để tạo ra nguồn lực, động lực mới, truyền cảm hứng cho toàn xã hội phát triển.
Trong đó cần nhấn mạnh vai trò người đứng đầu về xây dựng chính sách pháp luật, đầu tư nguồn lực cho xứng tầm và nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tiếp thu ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân, kinh nghiệm quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính không cần thiết, tiết giảm chi phí tuân thủ.
Tháo gỡ mọi điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; tạo môi trường phát triển lành mạnh, điều tiết theo cơ chế thị trường, tránh "xin - cho", phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.
Với Luật Đất đai (sửa đổi), các luật liên quan đến bất động sản, nhà ở… Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để sớm đưa luật vào cuộc sống, khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận