Chiều 25-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác tham dự sự kiện nhìn lại dấu ấn Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (TECHFEST - WHISE) do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng UBND TP.HCM phối hợp tổ chức.
Vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam tăng sau COVID-19
Tại ngày hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết theo báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới vừa công bố vào tháng 10-2023, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thông tin sau dịch COVID-19, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đã tăng trưởng trở lại với 634 triệu USD trong năm 2022 và gần 500 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.
Hiện nay theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước đang có khoảng 70 vườn ươm doanh nghiệp, 30 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.
"Tuy nhiên cần khẳng định rằng nguồn lực quan trọng nhất là hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi, nguồn lực tài chính phù hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu", ông Đạt nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tăng trưởng của TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,57% và dự báo tăng trưởng quý 4 của TP.HCM đạt trên 9%. Trong nỗ lực đó, thành phố xác định đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là động lực tăng trưởng quan trọng.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM đang chuẩn bị ra mắt Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, chuẩn bị đề án hình thành Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, Trung tâm cách mạng 4.0 với vai trò là hạt nhân kết nối các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thành mạng lưới hợp tác phát triển bền vững.
Đồng thời TP.HCM đang định hình lại chiến lược thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Những sự chuẩn bị này là tiền đề để hướng tới phát triển TP.HCM thành đô thị sáng tạo ngang tầm khu vực trong 10 năm tới. TP.HCM cũng quyết tâm trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động bậc nhất ở Đông Nam Á và khu vực", ông Mãi nói.
Cần các cơ chế thí điểm cho đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng lưu ý cần gắn đổi mới sáng tạo với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của đất nước, địa phương, đơn vị, nhất là những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết các bài toán cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, nâng cao năng suất, chất lượng lao động…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, khoa học, công nghệ liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cần được tập trung xây dựng, hoàn thiện theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, cần có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát triển đồng bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, vườn ươm sáng tạo, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các viện, trường là chủ thể nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần được thúc đẩy và phát triển các tổ chức trung gian, môi giới, sàn giao dịch vốn, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ về pháp lý, quản lý… để hình thành hệ sinh thái làm "bệ đỡ" cho đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ các bậc học phổ thông và ngay từ những ngày đầu khi thanh niên có ý tưởng lập nghiệp.
"Có chiến lược, kế hoạch cụ thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu vai trò của việc tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau.
Các nguồn tài chính có thể từ Nhà nước, các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, các tập đoàn, tổ chức quốc tế, các cá nhân và cộng đồng.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý có thể đẩy mạnh các phương thức hợp tác đầu tư phù hợp, hiệu quả trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
"Net-Zero" thành "Net-Positive"
Trước đó trong sáng 25-11, tại Hội nghị Đổi mới sáng tạo Việt Nam, chuyên gia Bret Grobben, nhà sáng lập Budding Innovation, nhận định Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về nguồn nhân lực trẻ có đam mê và năng lực khoa học công nghệ. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có lợi thế về dân số và nhân khẩu học, tạo lợi thế cho các dự án đổi mới sáng tạo bền vững.
Theo chuyên gia Bret Grobben, điều mà Việt Nam cần nhất là sự nhất quán về các chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các địa phương để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Hệ thống pháp lý cần tạo được các cơ chế thông thoáng để thu hút nguồn chất xám và nguồn vốn đầu tư từ trong và ngoài nước cho Việt Nam.
Còn bà Dzeneta Mulabegovic - chuyên gia của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc - cho biết một mô hình phát triển bền vững đang được nhiều nước đẩy mạnh là ESG, cân bằng giữa yếu tố môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G). Tuy nhiên, có đến 70% doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin đầy đủ về ESG và chỉ có 24% đã đưa ra những mô hình quản trị rõ ràng về ESG.
Theo bà Dzeneta Mulabegovic, khi cân bằng được ESG, các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ tận dụng được các nền tảng khoa học công nghệ để biến mục tiêu "Net-Zero" thành "Net-Positive". "Nghĩa là không chỉ không gây ra các tác động tiêu cực mà còn kiến tạo được những dư lượng cho môi trường và xã hội", bà Dzeneta Mulabegovic nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận