Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu mở đầu trong chuỗi sự kiện Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU - Ảnh: DƯƠNG GIANG
Trưa 13-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN - EU bên lề Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU với chủ đề: "Tăng cường thương mại ASEAN - EU: Phát triển bền vững cho tất cả mọi người".
Trong bối cảnh các nền kinh tế ASEAN đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, trao đổi thương mại hai chiều giữa EU với ASEAN đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ - là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu nhiều thách thức.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 269 tỉ USD năm 2021, tăng 18,6% so với năm 2020 và tăng 16,7% so với năm 2017. EU cũng đứng thứ 2 về tổng vốn đầu tư trực tiếp vào ASEAN trong năm 2021, đạt khoảng 26,5 tỉ USD, tăng 42,9% so với năm 2020.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh cần cách tiếp cận mới trong phát triển, đặc biệt là trong khai thác các tài nguyên số. Đặc biệt quan tâm vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, khi "ngay cả rác thải cũng có thể trở thành tài nguyên".
Nhắc tới quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng mà các nước phát triển và Việt Nam sẽ tuyên bố trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông cho rằng các bên đang đi đúng hướng trong quá trình ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 5 thông điệp quan trọng. Trước hết, cần tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các nước.
Nhiều vấn đề mang tính toàn cầu mà không một nước nào có thể đứng ngoài cuộc hay có thể xử lý một mình. Đặc biệt, ASEAN và các đối tác chiếm gần một nửa dân số và 2/3 GDP toàn cầu. Trong đó, ASEAN và EU có diện tích tương đối lớn với dân số gần 1 tỉ người, nên cần đoàn kết, hành động trên cơ sở hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ.
Nêu những thách thức trước các vấn đề biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu. Đây là vấn đề mà mọi người dân bị tác động nên phải có cách tiếp cận toàn dân, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phải có nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, quản lý xanh, nhân lực xanh. Nhà nước phải thiết lập thể chế phù hợp và các nước phát triển giúp đỡ các nước đang phát triển về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị và thể chế, bảo đảm công bằng, công lý.
Đặt trong bối cảnh quan hệ EU và ASEAN ngày càng phát triển toàn diện, nên cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho doanh nghiệp trên cơ sở nhà nước cần đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, thông quan hàng hóa nhanh chóng.
Khuyến nghị tới các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần tập trung vào kinh tế số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; an ninh lương thực; an ninh năng lượng; an ninh mạng.
Trong đó, xu thế quan trọng là phát triển điện gió, điện mặt trời, gắn bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm những người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau; đề cao văn hóa, đạo đức kinh doanh.
Tiếp tục khẳng định Việt Nam không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải, nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế, lấy nội lực là cơ bản, quyết định và ngoại lực là quan trọng và đột phá, Thủ tướng đưa ra thông điệp cho nhà đầu tư.
"Chúng tôi luôn cởi mở chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh lâu dài và thành công tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời ổn định chính sách lâu dài để các nhà đầu tư kinh doanh, bảo toàn vốn, có lãi và phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận