Gần 300 đại diện doanh nghiệp Czech và Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng, tài chính - ngân hàng, quân sự, hàng không, đào tạo phi công,... đã tham dự sự kiện ngày 21-4 tại Hà Nội.
Nhiều doanh nghiệp Czech đang hoạt động hiệu quả ở Việt Nam
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Czech Petr Fiala khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Czech ở khu vực Đông Nam Á. Sau hơn 70 năm, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển, trong đó kinh tế là một trụ cột quan trọng.
Theo ông Fiala, bên cạnh các doanh nghiệp của người Việt từng sinh sống và học tập ở Czech, nhiều doanh nghiệp của Czech đang đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp khai khoáng, y tế, tài chính, công nghiệp quốc phòng, hàng không…
Thủ tướng Czech dẫn ra ví dụ các doanh nghiệp nước này đang đầu tư thành công tại Việt Nam như Home Credit (tài chính), OMNIPOL và Colt CZ (quốc phòng),..
Với việc hai bên đã tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Thủ tướng Czech Fiala tin tưởng hai nước sẽ tận dụng tốt lợi thế mà EVFTA mang lại để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân hai nước.
Nhà lãnh đạo Czech cũng nhắc đến hai nội dung được thống nhất trong cuộc hội đàm trước đó với Thủ tướng Phạm Minh Chính: xem xét mở đường bay thẳng để tăng đầu tư và mở trung tâm văn hóa ở mỗi nước để tăng cường giao lưu nhân dân.
Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam và Czech có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp trong suốt hơn 70 năm qua.
"Rất nhiều người Việt Nam đã được Czech đào tạo, chăm lo, tạo điều kiện và cơ hội cho họ học tập, trưởng thành.
Những người dù đã về nước hay vẫn đang ở Czech cùng đều có mong muốn tâm huyết là đóng góp hơn nữa cho quan hệ hai nước, góp phần xây dựng tình cảm tốt đẹp, hữu nghị giữa hai nước", Thủ tướng chia sẻ về điều mà ông gọi là lợi thế trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Czech
Theo ông, để đạt được những thành công trong hợp tác thương mại vừa qua, ngoài vai trò của Chính phủ hai nước còn phải kể đến sự đồng lòng và góp sức của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp nhiều nước.
Nhờ các chính sách tích cực và 15 FTA đã ký kết, Việt Nam đã thu hút được hơn 36.400 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có các dự án của doanh nghiệp Czech.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, Việt Nam rất hoan nghênh sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Czech.
Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, với việc giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng các doanh nghiệp Czech sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa tại Việt Nam.
Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của hơn 300 đại diện doanh nghiệp tại khán phòng.
Trong bài phát biểu sau đó, lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Phòng Thương mại Czech cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với nhau để triển khai các chỉ đạo của thủ tướng hai nước.
"Là một sinh viên từng ở Tiệp Khắc, từng học đại học tại Slovakia và từng sống tại Czech, tôi luôn dành tình yêu cho đất nước và con người Czech. Quãng thời gian đó thực sự luôn trong trái tim tôi và sẽ mãi ở đó", ông Phạm Tấn Công, chủ tịch VCCI, bày tỏ tại sự kiện.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Czech Fiala, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp hai nước. Nhân dịp này, Tập đoàn Armex và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam cũng ký biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác.
Một văn bản khác cũng được ký kết trước sự chứng kiến của hai thủ tướng là thỏa thuận giữa Hãng hàng không Vietjet và Trường bay F Air của Czech.
Theo đó, hai bên sẽ hợp tác đào tạo phi công thương mại với các giấy phép PPL (bằng lái phi công tư nhân), IR (giấy phép bay thiết bị), CPL (bằng lái phi công thương mại) cũng như hợp tác đào tạo lý thuyết cơ bản vận tải hàng không (ATPL).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận