Sáng 4-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp truyền đạt chuyên đề nghị quyết Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII.
Việt Nam lựa chọn mô hình chính sách xã hội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh
Về sự cần thiết ban hành nghị quyết, Thủ tướng cho biết sau 10 năm thực hiện nghị quyết 15/2013, nước ta cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Tuy nhiên còn hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục mở rộng, đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân...
Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, anh ninh xã hội, an ninh con người.
Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó đổi mới, phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội.
Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa.
Phân tích về một số mô hình chính sách xã hội điển hình trên thế giới hiện nay, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam lựa chọn mô hình chính sách xã hội phù hợp với đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh đất nước.
"Chúng ta lựa chọn ưu điểm của các mô hình nhưng phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Đấy mới là lựa chọn khôn ngoan, chứ không phải thế giới có cái gì mình cũng bê vào...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ rõ những điểm mới nổi bật của nghị quyết. Trong đó, đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện.
Càng nhiều văn bản hướng dẫn lại càng rối
Về quan điểm, theo Thủ tướng, nghị quyết đưa ra 4 nhóm quan điểm vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trong đó, về đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển, Thủ tướng lưu ý nghị quyết nhấn mạnh việc đổi mới công tác quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền.
"Chính sách xã hội có những thứ trung ương làm tới tận cấp xã làm sao mà nhanh được?", Thủ tướng nêu vấn đề và cho biết thực tế triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua, cho thấy trung ương phải ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, song vẫn chậm.
Theo Thủ tướng, nếu không phân cấp ra thì không thể tránh được tình trạng có nhiều văn bản. Ông dẫn chứng đáng lý việc của xã mà trung ương phải làm thì phải có văn bản. Hay việc của huyện, tỉnh mà trung ương cũng làm chắc chắn nhiều văn bản.
"Mà càng nhiều văn bản hướng dẫn lại càng rối", Thủ tướng nhấn mạnh và đặc biệt lưu ý cần nêu rõ quan điểm phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát đầu ra.
"Hiện nay, chúng ta đang tập trung kiểm soát đầu vào. Các cơ quan trung ương làm thay các cơ quan địa phương nhiều quá. Điển hình là 3 chương trình mục tiêu. Việc này cần rút kinh nghiệm, đổi mới công tác quản lý, tăng phân cấp, phân quyền", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nói thêm quan điểm phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng và nhân dân trong quản lý phát triển xã hội bền vững.
"Tôi hay chia sẻ nhân dân mình rất thông minh. Vấn đề là có cơ chế, chính sách để họ phát huy hết tính sáng tạo, chủ động. Việc này là Nhà nước phải làm và như thế mới bền vững, tiến bộ. Không ai lo cho mình hơn chính mình", Thủ tướng nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận