Khả năng lãnh đạo của thủ tướng Theresa May đang bị đặt dấu chấm hỏi ngày càng lớn từ trong và ngoài đảng cầm quyền vì tiến trình Brexit - Ảnh: REUTERS
Các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ Anh ngày 12-12 đã kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng với bà May - đương kim thủ tướng và chủ tịch đảng, trong bối cảnh tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit) đang rơi vào hỗn loạn.
Ông Graham Brady, chủ tịch Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ, cho biết theo quy định cần sự tán thành của 15% nghị sĩ để khởi động một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chủ tịch đảng.
"Giới hạn đó đã bị phá vỡ" - ông Brady xác nhận. Đã có ít nhất 48 lá đơn yêu cầu tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May.
Ông Brady cho biết cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành từ 18h đến 20h ngày 12-12 (giờ London) tại trụ sở Hạ viện Anh. Các lá phiếu sẽ được kiểm đếm ngay sau đó, kết quả cuối cùng sẽ được công bố chính thức ngay trong đêm 12-12, tức rạng sáng mai theo giờ Việt Nam.
Nếu kết quả là bất lợi cho bà May, nước Anh sẽ phải hoãn tiến trình Brexit, theo Bộ trưởng Tư pháp Anh David Gauke.
Ngay sau thông báo của Ủy ban 1922, nhiều nghị sĩ Bảo thủ đã công khai xác nhận chính họ đã gửi thư yêu cầu bà May từ chức. Không ngạc nhiên khi một số bộ trưởng trong chính phủ bà May tuyên bố sẽ ủng hộ thủ tướng.
Trong lúc thời gian đang trôi dần về mốc 29-3, thời điểm Anh chính thức rời khỏi EU, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang trên bờ vực khủng hoảng chính trị. Hoặc là London sẽ rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào, hoặc tiến trình này sẽ bị hủy bỏ thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Ngày 10-12, đối mặt với nguy cơ chắc chắn bị bác bỏ tại quốc hội, thủ tướng May đã quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit.
Nguyên nhân hoãn biểu quyết chủ yếu do các nghị sĩ Anh phản đối gay gắt giải pháp không thiết lập biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.
Một số chuyên gia đã cảnh báo với sự hỗn loạn trong tiến trình Brexit, rất có thể chính phủ Bảo thủ của bà May sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Điều này có thể dẫn tới việc Công đảng đối lập - đảng đang giữ 257/650 ghế tại quốc hội, lên thành lập chính phủ mới.
Tuy nhiên, viễn cảnh này có thể sẽ không xảy ra hoặc xảy ra chậm hơn khi nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền đã quyết định hành động trước. Nếu số nghị sĩ ủng hộ bà May ít hơn 158, bà May sẽ phải rời ghế chủ tịch đảng, đồng nghĩa với mất luôn ghế thủ tướng.
Chỉ số hoán vị rủi ro tín dụng (CDS) của Vương quốc Anh - công cụ để đo mức độ rủi ro khi nắm trái phiếu chính phủ, đã vọt lên mức 40 điểm ngay sau khi thông tin cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với bà May được tổ chức.
Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12-2016, thời điểm Anh kết thúc trưng cầu dân ý với kết quả London sẽ rời khỏi EU.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận