16/05/2018 14:00 GMT+7

Thủ tục 'ngáng chân' nhà đầu tư giáo dục

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Bộ GD-ĐT đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa 51% điều kiện kinh doanh, nhưng nhiều đại biểu đề nghị cắt giảm thêm vì hiện vẫn còn quá nhiều thủ tục rườm rà.

Thủ tục ngáng chân nhà đầu tư giáo dục - Ảnh 1.

Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

TTO - 10 năm trước mở trường chỉ mất 9 tháng, nay lập phân hiệu cho chính trường đó thì để vượt qua rừng thủ tục phải “đốt” thời gian ít nhất ba năm. Có trường số hóa rồi chép lại vào sổ sách bằng giấy...

Một loạt vướng mắc trong quy định hiện hành đã được các nhà đầu tư chia sẻ tại hội thảo về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15-5.

"Còn quan điểm kế hoạch hóa"

"Cách đây 10 năm, từ lúc được phê duyệt chủ trương thành lập ĐH FPT đến khi khai giảng khóa đầu tiên chỉ mất 9 tháng. Còn hiện tại, hoàn tất các thủ tục để thành lập phân hiệu của trường chúng tôi đã mất 3 năm" - ông Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nêu dẫn chứng.

Theo ông Tùng, dù Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều thủ tục không cần thiết phải được cắt giảm nữa.

Ví dụ quy định mở ngành yêu cầu các trường phải sẵn sàng đủ cả trang thiết bị, nhân sự từ tháng 12 năm trước, nhưng thực tế việc tuyển sinh sau đó mới thực hiện và đến tháng 9 năm sau mới bắt đầu khai giảng, đào tạo.

Chưa kể có môn học đến năm thứ 3-4 sinh viên mới học... Trường phải trả lương cho giảng viên một cách rất "không kinh tế". Với những trường như ĐH FPT, cả năm đầu sinh viên chỉ học tiếng Anh thì việc này càng lãng phí. Rốt cuộc những chi phí đó lại đổ lên đầu sinh viên.

"Ở FPT, những giảng viên trong hồ sơ này nếu chưa đến môn giảng dạy thì có thể được bố trí tạm thời làm các công việc khác ở tập đoàn. Nhưng ở các trường khác không có công việc khác để làm thì bố trí ra sao? Có cảm giác tư duy quản lý như vậy vẫn còn quan điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây" - ông Tùng phân tích.

Tương tự quan điểm của ông Tùng, nhiều đại biểu cho rằng việc Bộ GD-ĐT đưa ra phương án sắp tới sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 51% điều kiện kinh doanh thì càng thấy hiện lĩnh vực này đã tồn tại quá nhiều thủ tục rườm rà. Nếu không bị áp lực quá mức về thời gian, bộ nên rà lại để cắt giảm thêm những thủ tục vẫn còn gây phiền hà, lại ít tác dụng về mặt quản lý.

Ông Đặng Quang Vinh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và đầu tư) - cho rằng phương án cắt giảm của Bộ GD-ĐT chưa thể hiện tinh thần "kiến tạo" của Thủ tướng.

Nhiều quy định vẫn chỉ tạo ra gánh nặng cho xã hội nói chung, cho nhà đầu tư nói riêng. Trong đó có những quy định không thể thực hiện, mà chỉ làm các cơ sở tìm cách đối phó, dễ tạo kẽ hở cho việc nhũng nhiễu...

"Nhà nước không nên làm mọi thứ thay thị trường. Chúng ta ai cũng là phụ huynh, đều có năng lực đánh giá chất lượng một trường học, xem nơi học đó có phù hợp và đảm bảo an toàn cho con mình không. Hãy để phụ huynh và xã hội làm việc này..." - ông Vinh nói.

Ông Vinh dẫn chứng những quy định như lớp học phải có bàn cho học sinh, một bàn có hai ghế cho hai cháu, rồi bảng, rồi bàn ghế cho giáo viên. Nếu trường, lớp không có những điều kiện này, phụ huynh liệu có gửi con cái đi học không?

"Các quy định của bộ vẫn mang nặng tinh thần "tiền kiểm", trước khi sửa cũng vậy và nay sau khi có phương án sửa thì tinh thần đó vẫn còn" - ông Vinh nhận định.

Trong khi đó, đại diện một số cơ sở đào tạo mầm non và phổ thông kêu ca về những quy định rườm rà, nặng về sổ sách, đi ngược với chủ trương chung về tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, giảm sổ sách, giấy tờ.

Điều này dẫn đến chuyện có trường vừa phải bỏ tiền mua phần mềm để số hóa (phục vụ cho quản trị), vừa bắt giáo viên ngồi chép lại những nội dung đã được số hóa (để đối phó quy định của bộ)...

Hay quy định về tủ hồ sơ trong lớp học cũng không còn phù hợp khi nhiều trường đã áp dụng việc lưu trữ hồ sơ bằng số hóa và chỉ in ra khi cần thiết, thay vì việc làm hồ sơ bản cứng theo một số sổ sách mẫu, bất tiện trong quản lý...

Chưa dừng cắt giảm

Trước các ý kiến phản biện chính sách, bà Mai Thị Anh, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT), cho biết sẽ tiếp tục rà soát để có phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh hợp lý, vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư vừa tạo hành lang thông thoáng cho các cơ sở giáo dục phát triển mà vẫn đảm bảo được việc kiểm soát chất lượng.

Với tinh thần đó, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một hội thảo tiếp theo lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư.

Ông Đặng Quang Việt, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, cho rằng dù Thủ tướng giao nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh nhưng "không có nghĩa là cứ cố làm bằng được mà không cần đảm bảo chất lượng", không thể "cố đấm ăn xôi", còn chất lượng bỏ lửng.

Tuy nhiên, ông Việt thừa nhận từ ý kiến hội thảo thì thấy mình tham mưu với lãnh đạo bộ chưa đủ, mà sẽ bổ sung một số điều để tham mưu cắt giảm thêm, chứ không dừng ở con số cắt giảm 51% điều kiện kinh doanh. Trong đó có những quy định do yếu tố lịch sử để lại.

Riêng việc yêu cầu điều kiện mở ngành phải chuẩn bị đủ nhân sự, trang thiết bị, trong khi có những môn của ngành y đến năm thứ 6 mới học, chưa kể khi đó trang thiết bị chuẩn bị từ trước có thể đã lạc hậu... là những quy định cần xem xét kỹ và đối chiếu với các quy định liên quan để tìm lời giải phù hợp.

Còn bà Nguyễn Thị Hiếu, lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng thực tế ở góc độ nhà đầu tư thường chỉ nhìn theo hướng giản tiện nhất cho hoạt động đầu tư, còn cơ quan quản lý phải hướng đến đảm bảo chất lượng giáo dục. "Không thể vì cắt giảm tối đa mà làm ảnh hưởng đến quản lý chất lượng giáo dục".

Xã hội có đủ khả năng giám sát không?

Trước nhiều ý kiến cho rằng "hãy để phụ huynh, xã hội giám sát", bà Nguyễn Thị Hiếu cho rằng với 15.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập, "liệu xã hội có đủ khả năng giám sát không?" và khi đó "vai trò cơ quan quản lý nhà nước sẽ thể hiện ra sao?".

Theo bà Hiếu, nếu cứ quy định mở, các trường muốn làm thế nào cũng được thì khó đảm bảo an toàn, vệ sinh cho trẻ. Vì vậy, nếu không có quy định cứng thì không thể thực hiện được việc đảm bảo chất lượng và an toàn, nhất là trong bối cảnh hiện đang có nhiều nhóm lớp, cơ sở giáo dục nhỏ lẻ...

Người tự ứng cử muốn Quốc hội đẩy mạnh đầu tư giáo dục

TTO - Đó là cam kết trong chương trình hành động của bà Nguyễn Thị Hồng Chương - hiệu trưởng, bí thư chi bộ Trường THPT Tân Túc, Bình Chánh, TP.HCM trước cử tri quận 8 trong ngày 6-5.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên