Tính đến sáng 29-9 đã có ít nhất 5.000 người dân đến Điện Elysée để viết sổ tang kính viếng cựu tổng thống Jacques Chirac.
Trong buổi chiều, lễ viếng ông dành cho dân chúng được tổ chức ngay tại Điện Invalides, với linh cữu của ông được đặt ở cổng nhà thờ tại đây, trong sân điện. Rất đông người dân đã đến chia tay nhà lãnh đạo một thời của mình.
Một thăm dò của Hãng Ifop công bố vào sáng 29-9 cho thấy người Pháp xem ông như "Tổng thống tốt nhất của nền Cộng hòa thứ 5", ngang với "tượng đài" Charles de Gaulle. Có một điều vẫn còn lạ lùng về kết quả này bởi một cuộc thăm dò tương tự cách đây gần sáu năm lại cho kết quả rất khác - khi đó ông Chirac chỉ có được khoảng 10% người yêu thích.
Người dân Pháp tụ tập trước cổng nhà thờ Saint-Sulpice tại thủ đô Paris sáng 30-9 để chuẩn bị tiễn đưa nhà lãnh đạo của mình - Ảnh: REUTERS
Kết quả thăm dò mới nhất này cũng cho thấy một điều khá bất ngờ: những người trẻ dưới 35 tuổi lựa chọn Chirac nhiều hơn (đến 47%) dù ở lứa tuổi này, họ chưa từng bỏ phiếu cho nhà lãnh đạo được xem là chưa làm được gì đáng kể cho nước Pháp.
Số liệu này cũng phản ánh đúng hiện tượng đang diễn ra: vài năm gần đây, một số vật dụng dành cho giới trẻ có in hình Chirac lại bán đắt như tôm tươi khiến người ta thậm chí phải dùng đến cụm từ "hiện tượng cuồng Chirac".
Cũng có vài lý giải cho hiện tượng này, như chuyện giới trẻ hiện nay soi xét lãnh đạo ở góc cạnh con người hơn là góc cạnh chính trị, nhưng xem ra cũng chưa thuyết phục lắm.
Ngôi mộ giản dị dành cho ông Chirac trong nghĩa trang Montparnasse ở Paris - Ảnh: Reuters
Thật sự thì di sản chính trị của ông trong hai nhiệm kỳ sáu năm được nhớ nhiều nhất là việc không nghe theo lời phát động của tổng thống Mỹ George W. Bush (Bush con) tiến hành cuộc chiến tại Iraq, kế đến là xóa bỏ chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên, và tuyên bố về bảo vệ môi trường ở Johannesburg (Nam Phi) năm 2002 với câu: "Nhà chúng ta đang cháy, thế mà chúng ta cứ mãi nhìn đi đâu".
Như thế là không nhiều cho vị thế một nước Pháp trong hàng ngũ nước lớn. Những người theo dõi chính trị kỹ lưỡng và khắt khe thậm chí còn cho rằng ông Chirac chỉ có những bài phát biểu với ngôn từ đẹp đẽ mà không mang thông điệp gì rõ rệt, đẹp đẽ sáng láng như bộ cánh ông khoác trên người mỗi lần xuất hiện trước công chúng.
Hẳn vì thế mà trả lời cho câu hỏi người dân lưu lại hình ảnh gì từ cố lãnh đạo của mình, có đến 31% chọn lựa "một nhân vật dễ mến, yêu đời", trước cả hình ảnh "một nhà lãnh đạo gần dân" (27%), "một nguyên thủ vĩ đại" (18%), "một tổng thống tạo ra ít cải tổ" (7%), "một chính trị gia chuyên nghiệp thường thay đổi chính kiến" (7%), "một chính trị gia cánh hữu không thỏa hiệp với Đảng Mặt trận dân tộc (cực hữu)" (6%) và "một chính trị gia chiến đấu ngoan cường" (4%).
Tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia danh giá của Pháp cách đây đúng 60 năm, ở tuổi 26, ông Chirac đã vào đời với công việc công chức cấp cao và nhanh chóng đi vào con đường chính trị. Hoạn lộ chính trị của ông khá suôn sẻ với phần đáng nhớ là việc ông làm thị trưởng Paris hơn 18 năm.
Cũng trong giai đoạn này, năm 1979, ông bà Chirac - khi đó đã có hai cô con gái - đã nhận một cô gái gốc Việt 21 tuổi tên Dương Anh Đào làm con nuôi ngay tại sân bay Roissy. Việc nhận con nuôi cấp kỳ ngay ở nơi công cộng này từng gây xôn xao không ít với đồn đoán là cách ông thị trưởng lấy phiếu của cộng đồng người châu Á.
Dẫu sao vợ chồng ông vẫn chăm lo cho Anh Đào trong hơn hai năm và thậm chí ông còn để cô làm việc trong đội ngũ của ông ở tòa thị chính.
Tính cách rất con người, bản năng đó của ông Chirac có lẽ đã khiến người dân cho qua những sai sót của ông như chuyện tư túi "tiền lương nhân viên ảo" thời ông làm thị trưởng, hay những bổng lộc quá nhiều khi ông đã kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo quốc gia.
Những giỏ hoa của người dân gửi đến trước cổng nhà thờ Saint-Sulpice tại thủ đô Paris sáng 30-9 để chuẩn bị tiễn đưa nhà lãnh đạo của mình - Ảnh: REUTERS
Nhưng như dân gian thường nói "nghĩa tử là nghĩa tận", hôm nay 30-9, nước Pháp chính thức làm lễ an táng cho cựu tổng thống của mình với một ngày quốc tang, với sự hiện diện của khoảng 30 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và các cựu lãnh đạo cùng thời của ông.
Sau lễ tang cấp nhà nước tổ chức ở nhà thờ Saint-Sulpice tại thủ đô Paris, thi hài ông sẽ được đưa đến nghĩa trang Montparnasse cũng ở Paris, đặt cạnh ngôi mộ con gái lớn của ông bà là Laurence (mất năm 2016).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận