19/11/2021 09:48 GMT+7

Thư từ Paris gửi Hà Nội mùa đông 2021: Đạo diễn là đạo diễn

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TTO - Chương trình lưu trú - đào tạo chuyên sâu "HÀ NỘI MÙA ĐÔNG 2021 - In Cinema We Trust" dành cho các nhà làm phim Việt Nam tài năng đang cần phát triển dự án điện ảnh một cách chuyên nghiệp, sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 28-11.

Thư từ Paris gửi Hà Nội mùa đông 2021: Đạo diễn là đạo diễn - Ảnh 1.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Là một trong những người tổ chức, Nguyễn Hoàng Điệp viết mail nhờ tôi - từ góc nhìn và kinh nghiệm bản thân viết một bài xoay quanh chủ đề giới - bình đẳng giới - bất bình đẳng giới - định kiến giới trong điện ảnh. Tôi đồng ý.

Có lý và vô lý

Năm 1980, tôi được Hãng phim Giải phóng cử sang Liên Xô học biên kịch điện ảnh, trong khi thật tâm, sau khi quan sát công việc nhiều phụ thuộc của cha - biên kịch Nguyễn Việt Tân - tôi vẫn ước mơ nghề đạo diễn.

Sang đến nơi, biết được trường có tuyển tự do khoa đạo diễn, tôi đăng ký thi với tâm thế, đậu thì tốt, rớt thì học biên kịch theo sắp đặt của cơ quan. Cuộc thi gồm hai phần: nói và viết theo đề.

Ngày đầu tiên đối diện bốn ông Tây giám khảo, trong đó có "cặp bài trùng" Vladimir Naoumov và Alexandre Alov - hai nghệ sĩ lớn sẽ làm thầy nếu tôi đậu - tôi hơi khớp; nhưng với tâm thế "chẳng mất gì", tôi bình tĩnh, dù mặt hai ngài chưa từng-chọn-sinh viên nữ kia khá lạnh.

Đóng hộp cao Sao vàng của Việt Nam mới sử dụng xong, nghệ sĩ công huân Naoumov - giám đốc một trong ba xưởng của Hãng Mosfilm đình đám - nhìn tôi… khiêu khích - khi đó tôi nghĩ vậy: "Một phụ nữ 28 tuổi, đi học đạo diễn năm năm, liệu có vô lý?".

Hơi tự ái, tôi trả lời cứng rắn nhưng thành thật: "Với tuổi 28, ở xứ tôi có lý nhất là lấy chồng, sinh con. Tôi đã quyết định đến đây thì không có gì vô lý nữa".

Tôi nhớ ba ông kia nhìn nhau, Naoumov hơi cười, đưa hộp Sao vàng ra trước mặt: "Tao thích cao này lắm, mày biết nó làm bằng gì không?". Câu hỏi vui, chắc chắn không phải "trong đề", nhưng tôi vẫn thành thật đáp không biết, do cao làm ở Bắc, tôi ở Nam.

Cuộc thi còn nhiều nội dung khác, nhưng về sau, khi đã nhận tôi vào học, Alov và Naoumov mới kể với sinh-viên-nữ-đầu-tiên rằng tôi đã thuyết phục các ông từ hai câu đáp đó: câu nhất vững chí trước con đường đã chọn, câu hai cho thấy tôi không bị cuốn... lan man, không cố nói điều không biết.

Rằng tự tin và tập trung là hai "mảnh đất" họ muốn trồng lên vườn táo. Kể ra chuyện này tôi nghĩ phụ nữ muốn làm nghề đạo diễn đầu tiên phải vững chí. Vững chí đối diện khó khăn, đối diện bất công, định kiến.

Trong thư Hoàng Điệp nhắc nhiều cụm ngữ định kiến giới, hỏi nó ảnh hưởng thế nào đến người sáng tạo, khán giả, và cả người làm kiểm duyệt; bản thân định kiến giới có tạo ra một dạng kiểm duyệt không.

Nói về định kiến thì tôi chịu nhiều hơn các bạn trẻ thời nay, nhưng vẫn muôn phần hạnh phúc hơn các nữ tiền bối, như Alice Guy - nữ biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất điện ảnh đầu tiên trên thế giới bị tổ quốc quên lãng suốt 100 năm, mà nguyên nhân theo Jackie Buet - người sáng lập Liên hoan phim Phụ nữ quốc tế Créteil - nơi các đạo diễn nữ Việt Nam thường có mặt - là chủ nghĩa sô-vanh nam.

Trong tọa đàm "In Her Voice" được UNESCO và nhiều bên phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ngày 19-10, đạo diễn Thanh Vân cho rằng "vũ khí mạnh nhất của đạo diễn nữ là sự dịu dàng, nhẫn nại".

Một nhà làm phim nữ phản biện, cho biết thứ khiến mọi người được tôn trọng là khả năng nghề nghiệp, là tiếng nói thuyết phục. Về cá nhân, đôi khi tôi không đủ dịu dàng khi làm việc, nhưng tôi tình cảm, biết rõ công việc, biết tạo môi trường tôn trọng lẫn nhau.

Hồi làm những phim ở miền Tây, tôi cũng bị ép uống rượu như đạo diễn Nhuệ Giang than thở, chật vật lắm từ chối nhưng không đến mức phải uống rượu mới tiến hành công việc được. Thúc thủ hiện tượng kia là sản xuất không chuyên nghiệp, không bản chất. Bản chất nghề nghiệp phụ nữ đối diện là khả năng tạo lòng tin.

Thư từ Paris gửi Hà Nội mùa đông 2021: Đạo diễn là đạo diễn - Ảnh 2.

Nguyễn Hoàng Điệp (thứ 2 từ trái qua) tại một tọa đàm về phụ nữ làm phim trong khuôn khổ Gặp gỡ mùa thu

Không cần thay đổi giới tính

Nhiều người hỏi tôi đạo diễn nữ có thiệt thòi hơn đạo diễn nam nếu muốn đi tận cùng với nghề. Tôi cho là không. Đạo diễn nam hay nữ chỉ khác nhau ở sức khỏe và gia cảnh. Hai thầy tôi nói, một trong những lý do các ông không thích chọn sinh viên nữ cho khoa đạo diễn, vì nghĩ chẳng mấy chốc họ bỏ nghề do vướng bận gia cang.

Ông có lý nhưng không phải chân lý, đặc biệt thời kỹ thuật số. Làm đạo diễn với tôi không quá nệ giới tính mà thiên hướng, tri thức, quan sát, thấu cảm với đời sống, với con người. Và một chút thao lược.

Nếu có phần nào khác giữa nam-nữ, thì có vẻ đạo diễn nữ thuận lợi hơn khi làm phim về nữ, nhưng không phải công thức: những phim về phụ nữ của Pedro Almodóvar luôn sâu sắc.

Ngược lại, Kathryn Bigelow - vợ James Cameron cũng làm phim hoành tráng như chồng. Họ "đụng" nhau ở Oscar 2010 và The hurt locker đã thắng Avatar khiến Bigelow trở thành nữ đạo diễn đầu tiên đoạt Oscar, tiếp sau là Detroit đáng nể.

Bigelow nói: "Đạo diễn là đạo diễn, không phân biệt nam, nữ. Tôi có hai mắt, nhìn được ba chiều, biết nắm bắt các thang màu, tại sao không thể làm phim bạo động? Tôi sẽ không thay đổi giới tính mà cũng không ngưng làm điện ảnh". Rằng thế giới với bà chỉ gồm hai típ: những người dám thử và những người không; bà thuộc nhóm thứ nhất.

Thư từ Paris gửi Hà Nội mùa đông 2021: Đạo diễn là đạo diễn - Ảnh 3.

Đạo diễn Việt Linh

Đen-trắng và màu

Nhiều người ngạc nhiên, bất ngờ khi biết tôi xin làm Gánh xiếc rong đen trắng sau khi đã có hai phim màu. Nói xin vì thời đó phim màu đang thời thượng và phim đen trắng đắt hơn do chứa nhiều bạc.

Vậy nhưng bằng niềm tin câu chuyện này chỉ hợp đen trắng, tôi đã thuyết phục được ban giám đốc. Phim tiến hành trong thập diện đe ép từ nội dung, kinh phí đến kỹ thuật.

May sao kết cục thỏa đáng. Thầy tôi đúng khi nói muốn làm đạo diễn, ngoài tri thức phải có sức khỏe của con bò tót và thần kinh dây thép. Vậy nên bất luận nam/nữ, hội đủ ba điểm kia thì hãy… lên đường.

Đạo diễn Việt Linh kể chuyện kiểm duyệt phim: Phóng túng và hẹp hòi Đạo diễn Việt Linh kể chuyện kiểm duyệt phim: Phóng túng và hẹp hòi

TTO - Cuối năm 2019, nhân phim Ròm nhốn nháo, được phỏng vấn cùng mấy đồng nghiệp khác, tôi từ chối với lý do không thể nói đôi câu, hứa viết hẳn bài khi có dịp.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên