Chiều 30-1, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025.
"Ế nhệ rồi mới nhảy vô là không kịp"
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nam cho biết hiện tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước vẫn chủ động, tuy nhiên đầu ra thị trường rất khó khăn. Vì vậy, ba vấn đề chất lượng, chế biến và thị trường phải được quan tâm.
Ông Nam lưu ý theo dõi các thị trường, "bởi không khéo năm nay chúng ta được mùa mất giá nữa, sản xuất nhiều mà bán không được". Ông Nam đề nghị "thúc đẩy thị trường, truyền thông, quảng bá sản phẩm của mình để tạo ra hiệu ứng thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ".
Về vấn đề chế biến, ông Nam cho biết bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý về chất lượng nông sản trong thời gian tới tiến hành kiểm tra quy trình an toàn thực phẩm để nhắc nhở các doanh nghiệp.
Ông Nam cũng nói sau cuộc họp này, ông sẽ bay ra Bắc để dự sớm cuộc họp của Diễn đàn kết nối nông sản 970 thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.
"Các đồng chí ở Đồng bằng sông Cửu Long xem có chủ đề gì đăng ký hay có chuyên đề riêng cho hàng nông sản của vùng với tổ 970 không. Chứ khi hàng rớt giá, ế nhệ rồi mới nhảy vô là không kịp. Chúng ta không để lặp lại bài được mùa rớt giá nữa", ông Nam nói.
Đầu tư nhiều dự án liên tỉnh, liên vùng
Về nhiệm vụ năm 2023, Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đề ra nhiều nội dung thực hiện, trong đó có nhiều dự án hạ tầng liên tỉnh, liên vùng.
Cụ thể, đối với vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười: nạo vét, nâng cấp hệ thống kênh trục và kênh Vĩnh Tế đoạn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đảm bảo phục vụ sản xuất và tăng cường thoát lũ ra biển Tây; nâng cấp, cải tạo hệ thống trạm bơm cấp nước vùng cao Bảy Núi, tỉnh An Giang; nạo vét, cải tạo toàn bộ kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng để tăng cường khả năng chuyển, trữ nước, thoát lũ từ sông Tiền sang sông Vàm Cỏ và đẩy mặn trên sông Vàm Cỏ.
Đối với vùng ven sông Tiền, sông Hậu, Nam Măng Thít và sông Vàm Cỏ Tây: xây dựng hệ thống công trình chủ động kiểm soát mặn - ngọt như cống âu Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang); hệ thống cống dọc quốc lộ 62 và nâng cấp đê sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An); hệ thống cống dọc sông Hậu, tỉnh Sóc Trăng; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít.
Đối với vùng ven biển Bạc Liêu, Cà Mau: đầu tư hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nguồn nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản phía Nam quốc lộ 1 (tỉnh Bạc Liêu); nâng cấp cải tạo âu Tắc Thủ và công trình ven biển Tây (tỉnh Cà Mau) để chủ động cấp nước, kiểm soát mặn, hỗ trợ đồng bộ cùng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, gia tăng nguồn nước ngọt về bán đảo Cà Mau từ hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới khoảng 90 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn 8 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và hồ chứa nước ngọt trên đảo Thổ Châu, tỉnh Kiên Giang...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận