Sáng 7-11, Quốc hội thảo luận về dự luật 1 luật sửa 7 luật gồm các Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Khó khăn trong thực hiện liên doanh liên kết
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Tri Thức (thứ trưởng Bộ Y tế, đoàn TP.HCM) đã nêu ý kiến về sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo ông Thức, hiện nay trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa có quy định dùng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh liên kết.
Thực tế trong khi ngân sách nhà nước cấp còn thiếu thì nhiều bệnh viện công lập mong muốn được liên doanh liên kết với các đơn vị, tổ chức nhằm xây mới cơ sở hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị y tế trên khuôn viên của bệnh viện.
Ông Thức nêu rõ ngoài việc được sử dụng các tài sản công theo quy định của luật để đưa vào liên doanh liên kết, thì quyền sử dụng đất cũng cần thiết được pháp luật quy định.
Bởi trường hợp xây dựng mới cơ sở trên khuôn viên đất của bệnh viện thì quyền sử dụng đất phải được tính vào giá trị liên doanh liên kết đảm bảo quyền lợi cho bệnh viện.
"Tuy nhiên Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không quy định việc dùng quyền sử dụng đất để liên doanh liên kết. Điều này làm cho các cơ sở y tế khó khăn trong việc thực hiện liên doanh liên kết đầu tư xây dựng mới hạ tầng phục vụ cho người bệnh.
Từ thực tế triển khai, nhằm tăng cường các nguồn lực của xã hội đầu tư cho y tế, tôi kiến nghị bổ sung thêm quy định đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện liên doanh liên kết", ông Thức đề xuất.
Bất cập xác định giá trị tài sản thương hiệu của bệnh viện công trong liên doanh liên kết
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tri Thức cũng nêu ra bất cập liên quan vấn đề xác định giá trị tài sản thương hiệu của đơn vị sự nghiệp y tế trong liên doanh liên kết.
Ông nói Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định đối với tài sản là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, việc xác định giá trị thương hiệu để góp vốn liên doanh liên kết được thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên qua thực tế triển khai cho thấy việc quy định xác định giá trị thương hiệu thực hiện "theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật khác liên quan" là điểm khó thực thi.
Bởi các quy định về định giá thương hiệu theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam sẽ khác so với phương thức tính pháp luật về sở hữu trí tuệ và quy định theo pháp luật khác có liên quan.
Như vậy theo ông Thức, trường hợp các phương pháp xác định giá trị thương hiệu khác nhau sẽ căn cứ vào giá trị nào để đưa vào liên doanh liên kết, từ đó dẫn đến không minh bạch trong việc xác định giá trị thương hiệu.
Ông Thức nêu rõ giá trị thương hiệu của đơn vị y tế là một tài sản vô hình lớn, được hình thành bao gồm nhiều yếu tố từ truyền thống, tầm nhìn, hạng bệnh viện, uy tín, chất lượng điều trị, chuyên môn của đội ngũ bác sĩ và sự nhận biết từ phía người bệnh với cơ sở y tế...
"Như vậy luật cần quy định cụ thể trường hợp nào được xác định thẩm định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Trường hợp nào được sử dụng xác định pháp luật về sở hữu trí tuệ…, không nên quy định nhiều hình thức và chung chung như hiện nay" - ông Thức đề nghị.
Còn đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) đề nghị cần có cơ chế tạm sử dụng cho các đơn vị đã được giao quản lý tài sản công.
Ông chỉ rõ việc xây dựng đề án sử dụng tài sản công, trong đó gồm thẩm định, phê duyệt mất rất nhiều thời gian. Bởi chất lượng đề án phải xem xét rất kỹ từng tài sản và mất vài năm mới có thể phê duyệt được với một đơn vị.
"Trong quá trình đó mà không cho đơn vị được giao quản lý sử dụng tài sản đó thì lãng phí rất nhiều", ông Tuấn nói và đề xuất cần nghiên cứu thiết kế điều khoản tạm giao sử dụng cho đơn vị sử dụng phù hợp với chức năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận