Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói về câu chuyện phân chia lợi ích bất bình đẳng giữa các ông lớn công nghệ với báo chí Việt Nam, tại tọa đàm Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn, diễn ra tại Hà Nội ngày 18-3.
Tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023.
Tại hội thảo, các diễn giả là chuyên gia về báo chí, truyền thông trong nước đã cùng bàn câu chuyện thời sự, đó là báo chí phải làm gì trước làn sóng phát triển của AI - trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là Chat GPT đang được dự báo sẽ thay thế công việc của nhiều nhà báo, tờ báo.
Những cơ hội đi kèm thách thức của AI với báo chí được đưa ra mổ xẻ. Nhiều ý kiến đồng thuận rất cần phải chuyển đổi số, nhưng cũng khẳng định ChatGPT hay những thứ trí tuệ nhân tạo siêu việt khác cũng không thể thay thế hoàn toàn được những nhà báo.
Trước cơn bão công nghệ, báo chí không nên làm điều này
Đặc biệt, những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm về AI và cách mà báo chí nên ứng xử trong thời làm báo công nghệ, tỉnh táo ra quyết định gây chú ý.
Với khả năng viết các tin tức như hiện nay của AI, ông Lâm gợi ý những người làm báo đừng nên phí lực lượng vào những thứ giống giống nhau và phải suy nghĩ nghiêm túc về giá trị thực sự của báo chí.
Đó là khả năng viết những câu chuyện sâu sắc, độc đáo mà máy không thể viết được.
Theo nghĩa này thì AI chính là đang cho báo chí cơ hội dần dần gạt bỏ bớt những loại lao động, loại công đoạn, những loại kỹ năng cơ bản mà máy có thể làm như người và tốt hơn người.
"Theo tôi, trước khi trả lời câu hỏi chúng ta nên làm gì với AI thì quan trọng hơn là nên trả lời câu hỏi chúng ta không nên làm gì nữa.
Các nhà báo không nên viết loại tin ít giá trị, giống giống nhau, ai cũng có thể có.
Các tòa soạn cũng không nên cử anh em phóng viên làm thể loại tin này nữa, không nên lên mạng xã hội xem nay mạng xã hội nói gì để viết lấy vài view", ông Lâm nói.
Ông cho rằng các nhà báo nên kể được câu chuyện của mình. Đó là những bài báo rất có giá trị vì đó là câu chuyện đơn nhất, duy nhất, độc bản, không sao chép, không có AI nào ngụy tạo được.
Đó có lẽ sẽ là xu hướng mới của báo chí. Các tòa báo phải biết cái gì là giá trị cốt lõi của báo chí. Công nghệ chỉ là công cụ.
Tỉnh táo trước các ông lớn công nghệ
Nhân câu chuyện báo chí trước làn sóng trí tuệ nhân tạo và các ông lớn công nghệ, ông Lâm cũng chia sẻ câu chuyện khó khăn của báo chí hiện nay khi dòng tiền quảng cáo đang chảy mạnh vào túi các nền tảng mạng xã hội nước ngoài.
Với những thuật toán tinh vi quyết định người dùng được xem cái gì, gợi ý những người có quan điểm giống mình… các nền tảng mạng xã hội đang ngấm ngầm xếp đặt luôn suy nghĩ của người dùng, quyết định luôn chúng ta nên nghĩ thế nào.
Và điều này, theo ông Lâm, chính là chúng ta đang rơi vào cuộc chơi của những ông lớn công nghệ, những nhà quảng cáo.
Ông cho biết, quá trình Bộ Thông tin và Truyền thông đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới về nội dung xấu độc và những vấn đề khác liên quan đến mô hình kinh doanh của họ rất vất vả.
Những ông lớn nước ngoài này thường dùng luận điệu cho rằng những chính sách của Việt Nam là đi ngược xu thế chung thế giới, đi ngược lại những cam kết của Chính phủ Việt Nam…
Họ cũng đưa ra những thông điệp hấp dẫn về quy mô rất lớn của nền kinh tế số Việt Nam trong tương lai có thể lên tới 100 tỉ đô la nếu Việt Nam mở cửa thông thoáng, khiến nhiều người hồ hởi.
Nhưng ông Lâm cảnh báo, chúng ta quên hỏi một điều quan trọng: 100 tỉ đô la của nền kinh tế số đó vào túi ai? Câu trả lời là chưa chắc chúng ta đã là người hưởng lợi, hoặc là người hưởng lợi thấp nhất.
"Chúng ta là người tiêu dùng mà thôi, họ nhìn mình như một thị trường mà thôi. Tất cả những thứ rất đẹp, kể cả OpenAI, họ nói mình hãy dùng đi, hãy trải nghiệm, nhưng thực ra là mình hãy trở thành người lao động miễn phí cho họ đi, cung cấp thông tin cho họ đi…
Họ dùng tất cả cái đó để quản trị mình và phân phối cho mình những thứ mà mô hình kinh doanh của họ đã xác định rồi. Công nghệ thì có thể 4.0, 5.0 nhưng có một thứ luôn luôn 1.0, đó là lợi ích.
Lợi ích thuộc về ai? Mình không tỉnh táo trong câu chuyện này thì mình sẽ không phải là người được hưởng lợi", ông Lâm nói.
Ông cho hay, mô hình kinh doanh dựa trên sự chú ý (thông qua các lượt view, like, share) hiện nay đang khiến nhân loại mệt mỏi.
Người ta bắt đầu tìm mô hình kinh doanh khác, sản phẩm khác, những thị trường ngách khác mà không nhất thiết phải để cho cả xã hội tung hô, như cách các ông lớn công nghệ đang thao túng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận