10/06/2015 10:27 GMT+7

Thứ trưởng Lê Mai và những vị “mafia Cuba”

CHRISTOPHER RUNCKEL
CHRISTOPHER RUNCKEL

TT - Tất cả chúng tôi trong văn phòng liên lạc Hoa Kỳ vào thời điểm đó bị một cú sốc lớn, khi nghe tin thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Mai bị một cơn đau tim cấp và qua đời 
sau đó.

Thứ trưởng Lê Mai (bìa phải) và Thượng nghị sĩ John Kerry trả lời các nhà báo sau phiên họp tại Hà Nội tháng 11-1992 - Ảnh: AFP
Thứ trưởng Lê Mai (bìa phải) và Thượng nghị sĩ John Kerry trả lời các nhà báo sau phiên họp tại Hà Nội tháng 11-1992 - Ảnh: AFP

“Chúng tôi luôn nhớ đến Lê Mai”

Ông Lê Mai rõ ràng là người quan trọng trong việc thúc đẩy và giám sát việc nối lại các mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Ông chỉ mới 56 tuổi. Tại thời điểm qua đời, ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và giữ chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam.

Ông sinh ra ở miền Trung Việt Nam vào năm 1940, là một thành viên trẻ trong đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Paris. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông phục vụ ở nhiều cương vị thuộc Bộ Ngoại giao, sau đó làm đại sứ Việt Nam tại Thái Lan (1986 - 1989) trước khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao (1990).

Khi ông qua đời, trong một cử chỉ không có tiền lệ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh “vai trò quan trọng” của thứ trưởng Lê Mai trong “quá trình xúc tiến bình thường hóa mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam” và ghi nhận sự ra đi của ông là “không đúng lúc và bi kịch”. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ca ngợi ông Mai là “một nhà ngoại giao được đánh giá cao và là bạn của nhiều người Mỹ”.

Trong các cuộc đàm phán, nhiều lần chúng tôi gặp ông Mai và thảo luận những vấn đề để tìm giải pháp. Mỗi khi đến Bộ Ngoại giao, chúng tôi thường thấy ông đang dự những cuộc họp khác. Ông luôn nói xin chào và thân thiện với tất cả chúng tôi, những người ở cấp bậc thấp hơn ông ấy nhiều và rất kính trọng ông.

... Còn nhớ năm 1996, vào thời điểm sau khi mở văn phòng liên lạc và ngay trước lúc qua đời của ông Lê Mai, Việt Nam tổ chức đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội. Chính phủ tăng cường an ninh trong kỳ đại hội có ý nghĩa này, họ đã cấm nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố, đặc biệt là xung quanh khu vực văn phòng Chính phủ và Trung ương Đảng.

Buổi tối hôm đó Soraya, vợ tôi, từ ban quản lý Trường UNIS Hà Nội tan họp và trở về nhà lúc hơn 8g tối. Một sĩ quan công an Việt Nam nhìn thấy cô ấy ngồi xích lô và ra lệnh cho xích lô dừng lại.

Soraya và người xích lô cố gắng bảo viên cảnh sát rằng cô là vợ của một nhà ngoại giao Mỹ và đang trên đường về nhà. Viên cảnh sát không tin và nói rằng cô ấy chắc chắn là người Việt bởi cô giống thế và dù giọng nói hơi “lơ lớ”. Anh ta đe dọa sẽ bắt giữ nếu cô ấy không rời khỏi khu vực này.

Soraya từ chối làm theo vì đã về gần đến nhà. Cô tức điên lên khi bước đến cổng nhà chúng tôi. Người bảo vệ mở cửa và cô bước vào trong khi viên cảnh sát hét gọi cô từ bên ngoài. Tôi báo cáo sự việc cho Jim Hall ngay tối hôm đó và với Washington qua điện thoại.

Tối hôm sau, Soraya và tôi có mặt tại buổi tiếp tân ngoại giao và thấy ông Lê Mai, người đã gặp cả hai chúng tôi nhiều lần. Ông Lê Mai băng qua phòng và chào Soraya bằng tiếng Thái (vì ông từng làm đại sứ Việt Nam tại Thái Lan trong nhiều năm). Ông xin lỗi cả hai chúng tôi vì hành động của viên cảnh sát và nói rằng hành động này là sai, không phản ánh chính sách của Chính phủ và ông đã yêu cầu chúng tôi đừng để vụ việc ảnh hưởng đến tình cảm của chúng tôi đối với Việt Nam.

Thế rồi sau đó, viên sĩ quan cảnh sát xuất hiện tại cổng trước nhà chúng tôi và nhân viên bảo vệ báo lại là anh ta muốn gặp Soraya. Bảo vệ nói rằng người sĩ quan cảnh sát này là người đã chặn Soraya lại vào đêm hôm qua. Soraya từ chối ra gặp nhưng người bảo vệ nài nỉ cô, nói rằng viên sĩ quan cảnh sát đến để xin lỗi cô. Hành động như vậy là chưa từng có.

Soraya cuối cùng đã ra cổng, viên sĩ quan cảnh sát chào bằng tiếng Việt rồi xin lỗi cô ấy. Và sau đó anh ta quay đi. Điều này nghe có vẻ không giống nhiều như ở Mỹ, nhưng dường như tại Việt Nam, nhân viên cảnh sát ít khi xin lỗi và đặc biệt là đối với một phụ nữ nước ngoài. Soraya và tôi rất ấn tượng bởi lời xin lỗi đó. Và chúng tôi cũng rất ấn tượng với sự quan tâm, sự nồng ấm và khả năng của Lê Mai trong việc này.

Tôi đã gặp nhiều nhà lãnh đạo tầm thế giới trong cuộc đời tôi và tôi có thể nói chắc chắn rằng ông Lê Mai là một người có phẩm chất như họ. Ông thật sự là một con người tuyệt vời được sinh ra để làm nhà lãnh đạo cấp cao. Sự ra đi của ông là một điều tôi thường nghĩ tới và luôn tự hỏi Việt Nam sẽ tốt hơn biết bao nếu như ông còn sống.

đến thăm Christopher Runckel ở Portland - Ảnh tư liệu C.R.
Ông Nguyễn Xuân Phong (giữa) và Hà Kim Ngọc trong dịp đến thăm Christopher Runckel ở Portland - Ảnh tư liệu C.R.

Những đồng nghiệp Việt Nam

Thời gian này, cứ vài ngày chúng tôi lại sang làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, chủ yếu là Vụ Châu Mỹ nhưng cũng có khi với Vụ Lãnh sự và pháp lý và ít hơn với Vụ Kinh tế. Liên lạc chính của chúng tôi tại bộ là vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, ông Nguyễn Xuân Phong, lúc đó giữ vị trí cao hơn so với tôi nhưng là người tôi gặp nhiều lần.

Ông Phong là một viên chức lãnh sự xuất sắc. Không có sự trợ giúp của ông và của bộ sẽ không bao giờ có sự hòa giải sớm hơn giữa hai nước chúng ta. Ban đầu ông Phong có hai cấp phó: ông Phạm Văn Quế và ông Vũ Chí Công, người sau này được cử làm đại sứ Việt Nam tại Cuba. Sau đó có ông Hà Huy Thông - người sau này trở thành phó đại sứ nước CHXHCN Việt Nam ở Washington. Ông Thông sau này là phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam.

Ông Hà Kim Ngọc, lúc này còn khá trẻ, cũng là một cán bộ của Vụ Châu Mỹ mà chúng tôi thường tiếp xúc. Ông có kỹ năng tiếng Anh tuyệt vời và bản tính hay giúp người. Ông Ngọc làm thông dịch cho tất cả các cuộc họp quan trọng giữa hai bên trong giai đoạn 1993 - 1997.

Sau này ông Phong nhậm chức tổng lãnh sự đầu tiên của Việt Nam ở San Francisco. Ông Ngọc làm việc với ông Phong một lần nữa tại Lãnh sự quán Việt Nam. Cả hai ông đến thăm Soraya và tôi ở Portland như một phần của nỗ lực thúc đẩy đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong những năm tôi nghỉ hưu.

Ông Nguyễn Xuân Phong và Vũ Chí Công là hai trong số những người mà chúng tôi gọi là “mafia Cuba”. Tiếng là thế nhưng chúng tôi không có hàm ý gì xấu cả. Chúng tôi chỉ muốn đề cập đến thực tế là một số cán bộ trong Bộ Ngoại giao Việt Nam tại thời điểm đó hoặc đã được đào tạo cao hơn, hoặc từng làm việc ở Cuba trước đó nên rất có ảnh hưởng trong Bộ Ngoại giao. Lúc đầu tôi thấy các vị này dường như bảo thủ và dè dặt, nhưng theo thời gian tôi ngày càng tôn trọng họ.

Không giống như một số cán bộ mới trong các bộ khác mà chúng tôi gặp vì công việc, cái gọi là “mafia Cuba” này thật sự đáng tin cậy chứ không phải nhằm vào việc kiếm tiền. Họ trung thực, liêm khiết và có tư tưởng dân tộc thực thụ. Họ có niềm tin vững chắc về trách nhiệm xã hội và quan niệm rằng Đảng và Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, phải “cho” cộng đồng và phải nâng cao đời sống nhân dân. Họ muốn có một nước Việt Nam mạnh hơn, hội nhập năng động hơn trên trường quốc tế.

Tất cả họ đều không thích những gì Mỹ đã làm đối với Việt Nam nhưng họ nhận ra rằng “quá khứ là quá khứ”. Họ biết rằng để Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn, họ phải mở cửa nền kinh tế và cải thiện quan hệ với Mỹ là yêu cầu phải có để điều này thật sự xảy ra. Mặc dù chúng tôi có quan điểm khác nhau trong nhiều vấn đề, nhưng tôi tôn trọng họ vì danh dự và sự chuyên nghiệp của họ.

___________________

Kỳ tới: Tôi yêu Việt Nam

CHRISTOPHER RUNCKEL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên