Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xuống khu phong tỏa và chào hỏi bằng cách "cụng tay" với cán bộ y tế quận Gò Vấp ngày 10-2 - VIDEO: HOÀNG LỘC
Với tư cách là tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế được điều vào TP.HCM, 3 ngày qua ông đã có nhiều cuộc họp với TP.HCM, đi thị sát nhiều nơi như bệnh viện, khu vực phong tỏa và nơi cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ông nói:
"Bên cạnh sự chi viện của các đơn vị trung ương, TP.HCM còn cho thấy sự chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước đây về truy vết, xét nghiệm, chăm sóc điều trị. Trong đó năng lực xét nghiệm được nâng lên đáng kể; các khu phong tỏa được xây dựng theo nguyên tắc từ rộng rồi thu hẹp dần để đảm bảo an toàn, không xáo trộn cho cộng đồng".
Virus đã âm thầm "mật phục" trong cộng đồng?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm và chúc tết các nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi sáng 11-2 - Ảnh: NHẬT THỊNH
* Như ông nói, "33 ca nhiễm COVID-19 ở TP.HCM tưởng đơn giản nhưng nảy sinh bất ngờ". Đó là đến nay TP.HCM đã ghi nhận 18 ca từ F2 chuyển thành F0. Lý giải điều đó như thế nào, thưa ông?
- Để đánh giá vấn đề này, theo tôi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta đều biết sự phức tạp trong đội bốc vác của sân bay Tân Sơn Nhất, bên cạnh các ca F1 âm tính thì F2 lại dương tính.
Sẽ có nhiều giả thuyết về hiện tượng này, và có lẽ chúng ta cần chờ đợi kết quả giải trình tự gen từ Viện Pasteur TP.HCM để xem virus này với các virus ở Hải Dương, Quảng Ninh có gì giống, khác nhau; và liệu có mang các đột biến giống virus ở Anh, Nam Phi, Brazil hay không.
* Theo ông, liệu đây có phải bất thường mà từ trước đến giờ chúng ta chưa bao giờ gặp?
- Hiện tượng này là điểm mới, có nhiều giả thuyết được đưa ra và nhiệm vụ của các nhà khoa học là phải tìm cho ra giả thuyết phù hợp nhất. Giả thuyết đầu tiên là khi phát hiện ra F2 dương tính với COVID-19, F1 đã hết bệnh (âm tính).
Giả thuyết thứ 2 có thể F1 âm tính này trước đó chính là trung gian lây bệnh cho F2 và F0.
Còn giả thuyết thứ 3 có lẽ đáng ngại hơn, tức F2 không phải lây từ F1 mà từ nguồn có sẵn, đã âm thầm "mật phục" trong cộng đồng từ sự "rò rỉ" ở các đợt dịch trước nhưng không có triệu chứng.
Hiện nay ngành y tế đang chủ động ở tất cả mọi giả thuyết, xây dựng các phương án để có thể tìm ra lời giải một cách rõ ràng nhất. Đặc biệt, vấn đề truy vết rộng trong cộng đồng đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo và chúng tôi sẽ bàn với TP.HCM để tổ chức lấy mẫu trong cộng đồng rộng một cách điển hình hơn.
* Như vậy có thể bệnh nhân 1979 không phải là ca bệnh đầu tiên?
- Đúng như thế.
TP.HCM đã mất dấu virus chưa?
Ông xuống khu phong tỏa kiểm tra tình hình phòng chống dịch COVID-19 của địa phương, đồng thời chúc Tết các nhân viên y tế tại quận Gò Vấp, nơi đang có 2 khu phong tỏa với 5 ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: HOÀNG LỘC
* Trong các cuộc họp gần đây với ngành y tế TP.HCM, ông có đề nghị phải "quét đi quét lại tìm cho ra kháng thể dương tính" và cảnh báo: "Càng làm nhanh càng đuổi theo kịp dấu vết của con virus". Thực tế TP.HCM đã mất dấu virus chưa, thưa ông?
- Quan điểm của chúng ta bây giờ là truy vết, phát hiện và khoanh vùng dập dịch. Còn việc truy vết F0, được đúc kết từ bài học ở Đà Nẵng rồi, đó là chúng ta không phải đưa vấn đề này làm chủ chốt. Chúng ta vẫn phải quyết liệt tìm kiếm, còn nếu không tìm thấy vẫn phải áp dụng các biện pháp chống dịch một cách quyết liệt nhất.
Hiện chuỗi ca nhiễm COVID-19 ở trong sân bay Tân Sơn Nhất tương đối ổn, còn với cộng đồng như chúng ta đã biết có thêm 5 khu phong tỏa mới. Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất phức tạp, và chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để "đuổi kịp virus" nhằm xử lý càng sớm càng tốt.
* Vậy cơ hội đuổi theo dấu vết của virus ở TP.HCM còn nhiều không, thưa ông?
- Dự kiến ngày mai Viện Pasteur TP.HCM sẽ giải xong trình tự gen, khi đó chúng ta mới biết được những vùng đột biến của virus này có trùng hợp với đột biến của các loại virus khác ở Anh, Nam Phi hay không.
Nếu như trước đây chu kỳ của virus thường từ 5-7 ngày thì hiện nay được rút ngắn chỉ còn 3-4 ngày. Do đó tùy vào chủng virus, chúng ta sẽ biết được cơ hội theo dấu còn nhiều hay ít.
* Có một sự trùng hợp thú vị. Năm ngoái vào tối 29 Tết Việt Nam công bố 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, lúc ấy ông là người có mặt trực tiếp chỉ đạo chống dịch. Tết năm nay vẫn cứ chống dịch như thế…
- (Cười). Từ sau hai ca bệnh đầu tiên nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, nước ta bước vào một cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 quyết liệt. Và không phải riêng gì tôi, toàn bộ nhân viên y tế cả nước được nâng cao mức độ cảnh giác, cũng như chuẩn bị mọi tâm thế sẵn sàng đối phó với các đợt dịch khó khăn, phức tạp hơn.
Bây giờ sau một năm tôi vẫn bồi hồi cảm xúc đó và vẫn tâm thế sẵn sàng "gác Tết" để quyết tâm chống dịch. Đó là một ký ức đáng nhớ của mỗi người trong cuộc đời làm nghề y!
Dịch ở Đà Nẵng khác với dịch ở TP.HCM
Chủ trì cuộc họp đầu tiên của Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ khi nhận quyết định tổ trưởng tổ đặc biệt, ông có chút "lăn tăn" bởi tình hình dịch ở TP.HCM so với Đà Nẵng trước đây có sự khác biệt nhất định.
Nếu như ở Đà Nẵng lúc bấy giờ dịch COVID-19 tấn công đầu não ngành y tế, hệ thống y tế suy yếu rất nhiều thì TP.HCM rất tỉnh táo.
"Cho đến bây giờ, qua 3 ngày vào làm việc với TP.HCM, tôi nhận thấy công tác chuẩn bị ứng phó với đợt dịch này của địa phương là hết sức quyết liệt, kỹ lưỡng. Cụ thể, thông qua các hoạt động truy vết "thần tốc", chúng ta đã phát hiện ra ca bệnh 1979, kiểm soát được sân bay Tân Sơn Nhất", ông Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận