Các chợ Đà Nẵng bắt đầu kiểm soát người ra vào chợ bằng các phiếu ra vào chợ có ghi thông tin của mỗi hộ dân - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tuy vậy, ông Tuyên cho rằng với chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và các địa phương, nếu phát hiện thật sớm bằng cách xét nghiệm, truy vết, tiến hành khoanh vùng và dập dịch, thực hiện tốt các biện pháp khác như 5K, đặc biệt phát hiện và cách ly các trường hợp nhập cảnh trái phép, tiếp xúc gần với ca bệnh, tình hình sẽ khống chế được như hiện nay.
Hôm qua Việt Nam ghi nhận có 125 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và 4 ca nhập cảnh.
* Với tình hình hiện nay, có ý kiến cho rằng nên giãn cách xã hội để chặn đứng dịch, ông nghĩ sao?
- Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã có bàn bạc và quan điểm hiện nay là khoanh vùng diện rộng, lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm nhanh nhưng cách ly gọn nhất có thể. Nếu ghi nhận ca bệnh ở một cụm dân cư, thôn, phố thì lấy mẫu thật nhanh, sau khi có kết quả xét nghiệm chỉ phong tỏa ở khu vực đó thôi, sau đó giám sát tốt.
Thực hiện theo cách này mới đảm bảo mục tiêu kép, phát triển kinh tế tốt mới có nguồn lực phòng chống dịch. Trong tình hình hiện nay và kinh nghiệm của các chuyên gia, công tác phòng chống dịch vẫn đang rất tích cực.
* Trong đợt dịch này, có những dấu hiệu cho thấy những điểm phức tạp như xuất hiện nhiều chủng virus biến chủng, nhiều ca cộng đồng, dịch lan nhanh, hệ số ca nhiễm cao..., ông có nhận định gì?
- Thông báo của Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khi giải mã gen virus đã ghi nhận một số chủng biến thể Anh, Ấn Độ, Nam Phi nhưng đó là xét nghiệm ngẫu nhiên, Bộ Y tế đang chỉ đạo lấy thêm các mẫu ở các ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện K, Đà Nẵng, Bắc Ninh..., tiếp tục giải trình tự gen, xem ở đó có những chủng virus nào.
Tuy nhiên, đúng là đợt dịch này có những điểm phức tạp hơn so với những đợt dịch trước như lây lan nhanh hơn, hệ số lây nhiễm cao hơn...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
* Những ngày tới dự báo tình hình sẽ như thế nào, và vùng nào còn "nóng", thưa ông?
- Những ngày tới vẫn có thể có ca cộng đồng, không chỉ ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng mà cả ở địa phương khác tiếp xúc với các ca bệnh ở vùng này, giải pháp như tôi vừa nói ở trên, nếu thực hiện tốt các giải pháp đó vẫn sẽ kiểm soát được dịch.
Nhưng mỗi địa phương vẫn có những ưu tiên, giải pháp riêng. Khác các tỉnh khác, Bắc Ninh có nhiều cụm - khu công nghiệp, tương tự tình hình ở Hải Dương vừa qua, Bắc Ninh phải lưu ý 5 khu vực, như các nhà máy, khu công nghiệp, cộng đồng, bệnh viện.
Trong khi đó, Hà Nội chú ý ca bệnh ở khu vực cộng đồng, khu công nghiệp và bệnh viện. Hà Nội là nơi tập trung các bệnh viện tuyến cuối, trong đó có cả bệnh viện điều trị COVID-19, các địa phương đều chuyển bệnh nhân về, nguy cơ vì thế cũng rất cao. Hà Nội cũng cần quan tâm đến cơ quan, đơn vị, đây là các đơn vị nhà nước cấp cao, nếu không thì tình hình sẽ phức tạp.
Tại Đà Nẵng, cần chú ý khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, đó là tâm điểm thu hút khách du lịch. Thời gian qua khi chúng tôi đi kiểm tra, số người dân thực hiện việc phòng chống dịch khá tốt nhưng vẫn có tình trạng người đi ngoài đường chưa đeo khẩu trang, chưa tuân thủ các biện pháp chống dịch, trong khi lúc này mỗi người phải giảm bớt các lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng, mỗi người đều vì cộng đồng.
* Và lời khuyên của ông với người dân khi số ca nhiễm vẫn tăng?
- Muốn phòng chống dịch tốt, mỗi người dân không được chủ quan lơ là, mỗi người dân tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tối đa các hoạt động nơi đông người. Việc này có thể rút kinh nghiệm ổ dịch Thuận Thành (Bắc Ninh), ổ dịch xảy ra ở đám cưới.
Bên cạnh đó là hợp tác chặt chẽ với chính quyền cơ sở, phát giác những trường hợp nhập cảnh trái phép hay tiếp xúc gần với ca bệnh mà không khai báo, trốn cách ly..., báo ngay cho chính quyền địa phương các trường hợp không chấp hành các khuyến cáo chống dịch.
WHO phân loại biến thể B.1.617 ở Ấn Độ là "đáng lo ngại toàn cầu"
Ngày 10-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại biến thể B.1.617 - biến thể của virus được xác định ở Ấn Độ - là "biến thể đáng lo ngại" cấp độ toàn cầu, theo Hãng tin Reuters.
"Chúng tôi phân loại đây là biến thể đáng lo ngại ở cấp toàn cầu và đang có một số thông tin cho thấy khả năng lây truyền đã tăng lên" - bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, phát biểu trước báo giới.
Theo Đài BBC, biến thể B.1.617 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10-2020. Biến thể này đã lan sang những nước khác.
BÌNH AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận