Sáng 22-11, tại họp báo thông tin Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn của Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc (UN Tourism) tại Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nói có một làng người dân từng chạy trốn mỗi khi bão lũ, nay lại sống khỏe nhờ du lịch.
"Năm 2023 làng Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) nhận được giải thưởng Làng du lịch tốt nhất năm của UN Tourism. Từ một nơi dân phải bồng bế nhau chạy trốn thì nay lại sống khỏe nhờ cách làm du lịch độc đáo".
Bài học từ Tân Hóa
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, với danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất năm 2024" cho Trà Quế (Hội An, Quảng Nam), tới nay Việt Nam có 3 làng trong mạng lưới của UN.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, nói rằng hơn cả một giải thưởng, danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất thế giới" cho Trà Quế (Hội An) là một cơ hội lớn cho Quảng Nam.
Không chỉ khách đến nhiều hơn, ngành du lịch cũng sẽ có chính sách phát huy giá trị gia tăng.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về câu chuyện làng Tân Hóa, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng từ Tân Hóa có thể nghĩ về tư duy làm du lịch dựa trên giá trị sẵn có.
Kinh nghiệm lớn nhất là không bê tông hóa, phát huy các yếu tố văn hóa bản địa.
"Làng Tân Hóa có khoảng 1.000 người dân dựng làng kẹp giữa bao quanh đồi núi.
Từ lâu, nỗi ám ảnh nhất của bà con là các trận lũ lớn. Cứ mùa lũ, dân lại bồng bế nhau lên đồi cao, trâu bò cũng được dắt lên.
Người dân trú tránh trong hang đá. Khi lũ rút, bà con mới trở về làng. Nhưng nhiều trâu bò bị chết khô trên núi do không đưa xuống được" - ông Phong nói.
Theo ông Phong, giai đoạn 2010 khi thấy Tân Hóa khốn khổ vì các trận lũ, báo Tuổi Trẻ cũng nhiều lần tổ chức cứu trợ. Các nhà báo đặt vấn đề việc cần thiết phải di dời, đưa làng ra khỏi nơi trũng thấp.
Tuy nhiên bước ngoặt diễn ra ít năm sau khi hình ảnh rốn lũ Tân Hóa xuất hiện trong một số bài hát, bối cảnh điện ảnh. Ý tưởng làm du lịch manh nha.
Khi vào trải nghiệm Tân Hóa, có khách đã tặng dân một nhà phao. Từ đó trở đi có nhiều mô hình tương tự. Mùa lũ nước dâng tới đâu, nhà nổi lên tới đó, mỗi nhà phao là một homestay độc đáo.
Du lịch phát triển kéo theo doanh nghiệp lưu trú về mở khách sạn. Bằng cách thiết kế thân thiện với môi trường, neo phòng ốc ở trên cao nên mỗi phòng bán giá 3-5 triệu đồng. 60 người dân được mời vào làm du lịch.
So với Tân Hóa của 15 năm về trước, ông Phong nói rằng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn nhờ cách làm du lịch.
Từ Tân Hóa tới các làng du lịch tốt nhất ở Việt Nam
Đúc rút câu chuyện ở Tân Hóa, ông Phong cho rằng việc khai thác giá trị văn hóa đời sống bản địa kết hợp cách làm du lịch không bê tông hóa, không đón quá nhiều khách sẽ là bài học cho các địa phương khác.
Ông Phong cho biết với mức 4,8 triệu khách quốc tế mỗi năm, Hội An đang là "điểm trung chuyển, phân phối khách quốc tế" cho miền Trung.
Chất riêng ở Hội An không chỉ là di sản mà là tính cộng đồng.
"Làng rau Trà Quế quy mô diện tích không lớn, nhưng vì sao khách lại thích? Là vì bà con ở đó rất niềm nở, biết cách làm khách cười vui, chiều lòng khách và để họ móc hầu bao chi tiêu" - ông Phong nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết cứ bốn khách quốc tế tới Việt Nam thì có một khách tới Quảng Nam.
30% khách trong số này lại chọn trải nghiệm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Điều này chứng tỏ nguồn tài nguyên du lịch lớn từ giá trị văn hóa bản địa, những gì sẵn có ở các làng quê.
Lấy ví dụ về rừng dừa Bảy Mẫu, ông Bửu nói hiện tiền vé tham quan ở đây đạt 27 tỉ đồng một năm. Một mức "khủng khiếp" mà trước đây không ai nghĩ tới.
Do đó trong định hướng du lịch, tỉnh Quảng Nam luôn hướng đến du lịch nông nghiệp nông thôn; du lịch văn hóa, môi trường kết hợp giữ gìn giá trị văn hóa bản địa. Chỉ có vậy cộng đồng mới thừa hưởng được giá trị của chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận