Chiều 22-2, dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Trong tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chính phủ cho biết luật được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2018.
Có thể thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho hay quá trình triển khai thi hành luật đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề.
Trong đó, đối tượng cảnh vệ là con người gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện luật và tình hình thực tiễn hiện nay, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Lý giải điều này, ông Hùng nêu Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hằng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các đối tượng trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với các lãnh đạo chủ chốt, cấp cao khác trong cùng nhóm.
Về đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng, Bộ Công an đề nghị quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.
Theo đó, dự thảo luật lần này được sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ theo hướng quy định: “Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ tham dự".
Chính phủ cho hay sự kiện có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và khách quốc tế có chức vụ tương đương tham dự, được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.
Bổ sung 3 chức danh phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí
Thẩm tra về việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho hay thường trực ủy ban nhất trí với việc bổ sung này.
Việc này nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được xác định trong kết luận 35.
Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.
Về quy định giấy bảo vệ đặc biệt của cảnh vệ, ông Tới nói thường trực ủy ban cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo luật và cho rằng giấy bảo vệ đặc biệt đã được quy định tại Luật Cảnh vệ.
Đồng thời, giao Bộ Công an quy định về mẫu, quản lý, sử dụng giấy bảo vệ đặc biệt cho lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Công an và lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ các trường hợp sử dụng giấy bảo vệ đặc biệt; đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ "giấy bảo vệ đặc biệt".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận