Các nhân viên trong đội tìm kiếm khiêng các thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Reuters |
Qua Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Tuấn Kiệt mong nhận được những góp ý phản biện, cũng như nêu ra những sáng kiến khác để tránh những vụ việc “Germanwings” đau lòng trong tương lai.
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng.
Việc phi công phụ Andreas Lubitz của Hãng hàng không Đức Germanwings cố tình khóa cửa buồng lái để rồi tự mình điều khiển máy bay lao xuống đỉnh núi Alps vào ngày 24-3-2015 gây ra thảm kịch kinh hoàng cho cái chết của toàn bộ 150 hành khách vô tội.
Tiếng kêu hốt hoảng “Mở cửa ra, mở cửa ra đi Andreas. Tôi và mọi người nài xin anh đó! Hãy mở cửa đi Andreas!”, và những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng để phá cửa bọc thép bằng chiếc rìu của cơ trưởng Patrick Sonderheimer làm cho tất cả chúng ta thật sự bị sốc!
Sau vụ việc này, một loạt giải pháp được đề xuất như kiểm tra tâm lý, sức khỏe định kỳ cho các phi công, hoặc giao trách nhiệm cho một mình cơ trưởng lái để bảo vệ an toàn tất cả sinh mạng của hành khách.
Giải pháp này xem ra cũng không thể giải quyết vấn đề an toàn được khi mà chính cơ trưởng, hoặc cơ phó cố tình khóa trái cửa để thực hiện hành vi thảm sát của mình!
Qua phân tích trên, tôi nhận thấy cần phải có giải pháp kỹ thuật đi kèm để ngăn ngừa việc khóa cửa có chủ ý của một trong hai phi công!
Giải pháp kỹ thuật tôi đề xuất như sau:
Việc điều khiển chế độ bằng tay chỉ được thực hiện khi có sự xác nhận của cả hai phi công (qua vân tay, võng mạc, bằng scan hình ảnh...).
Khi một trong hai phi công đi ra ngoài thì hệ thống cảm biến sẽ báo và hệ thống lái sẽ tự động chuyển sang chế độ bay tự động theo chương trình đã lập sẵn.
Khi cửa phòng lái bị cố tình khóa trái từ bên trong, thì cả hai người: phi công bên ngoài và trưởng phi hành đoàn sẽ lập tức liên lạc với tổng đài kiểm soát an ninh của hãng máy bay của mình bằng điện thoại vệ tinh có ghi hình video để báo cáo sự việc và xin các mật mã bao gồm:
Mật mã điều khiển khẩn cấp “emergency control”
Mật mã “killing”,
Mật mã mở cửa khẩn cấp “emergency open”
Phi công hay Trưởng phi hành đoàn hoàn toàn không biết trước các mật mã này, mục đích là tránh trường hợp những kẻ khủng bố đe dọa phi công hoặc tiếp viên trưởng để lấy mật mã mở cửa.
Qua điện thoại vệ tinh được tích hợp với camera quay toàn cảnh bên trong cabin máy bay, tổng đài an ninh hoàn toàn quan sát rõ chi tiết tình huống xảy ra bên trong khoang hành khách (đề phòng những kẻ khủng bố ẩn nấp ép buộc phi công hoặc trưởng phi hành đoàn).
Nếu thấy tình hình bình thường (không có khủng bố) thì sẽ cung cấp 3 mật mã trên để phi công/ trưởng phi hành đoàn bên ngoài xử lý tình huống và tiến hành mở cửa cabin buồng lái.
Tổng đài sẽ cung cấp mật mã “killing action” để phi công bên ngoài có nhập mật mã điều khiển thiết bị xung điện cao thế được thiết kế dưới ghế ngồi của phi công để gây bất tỉnh cho phi công bên trong, hoặc có thể điều khiển van phun khí ngạt CO2 để gây ngạt, vô hiệu hóa phi công bên trong buồng lái.
Ngoài ra, tổng đài sẽ cung cấp một mật mã “emergency control” để phi công bên ngoài có thể kích hoạt thiết bị điều khiển phụ (kiểu buồng lái phụ) để vô hiệu hóa hệ thống điều khiển buồng lái chính, và có thể điều khiển máy bay chế độ khẩn cấp trong thời gian ngắn đề phòng trường hợp máy bay đang lao xuống đất.
Trình tự thực hiện như sau:
Ngay khi có được 3 mật mã điều khiển trên từ Tổng đài qua điện thoại vệ tinh, ngay lập tức người phi công bị nhốt bên ngoài sẽ nhanh chóng thực hiện:
Bước 1: kích hoạt mật mã “emergency control” trong buồng lái phụ để chiếm quyền điều khiển máy bay, nhanh chóng điều khiển máy bay ra khỏi tình trạng nguy hiểm.
Bước thứ 2: nhập mật mã “killing” để kích hoạt thiết bị quan sát camera bên trong buồng lái (bình thường thì camera này không kích hoạt do bảo mật an ninh buồng lái).
Qua camera quan sát, nếu thấy phi công bên trong đang cố tình phá hoại thì lập tức nhấn nút “killing action” làm bất tỉnh ngay lập tức phi công bên trong buồng lái (bằng xung điện dưới ghế ngồi, hoặc khí ngạt CO2...).
Chú ý: Đề phòng trường hợp phi công không phá hoại mà do bị đột quỵ, hay đột tử do tim mạch, mất áp suất... nên phi công bên ngoài phải quan sát bên trong buồng lái qua camera trước khi nhấn nút “killing action”.
Bước thứ 3: Sau cùng, phi công bên ngoài chỉ việc nhập tiếp mật mã mở cửa khẩn cấp “emergency open” và mở cửa buồng lái để vào khống chế gã phi công kia... và chuyến bay tiếp tục hành trình an toàn của mình.
Trên đây là đề xuất của tôi về vấn đề nan giải hiện nay của việc an toàn an ninh hàng không.
Thật sự là các đề xuất này có thể ngây ngô, khôi hài. Nếu được thực hiện thì chắc có lẽ phải cải tiến lại hệ thống cửa buồng lái, hệ thống điều khiển, thiết kế thêm buồng lái phụ...
Bạn có ý kiến phản biện gì với giải pháp của bạn đọc Tuấn Kiệt đưa ra. Theo bạn, cần thêm những giải pháp gì để những vụ việc đau lòng tương tự không xảy ra. Hãy email đến [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận