Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: N.An
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về câu chuyện cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp, đặc biệt là sau đợt thoái vốn khá thành công tại Sabeco. Ông Cung nói:
- Thương vụ thoái vốn Sabeco được xem là thành công trong lịch sử thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước khi thu về tới gần 5 tỉ USD. Nó có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn hiện còn rất chậm chạp, thậm chí có tư tưởng "chây ì" của không ít bộ, ngành và địa phương. Thành công của thương vụ này vừa là động lực nhưng cũng là áp lực thúc đẩy các bộ, ngành trong hoạt động thoái vốn.
* Ông kỳ vọng gì khi có các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn của nước ngoài tham gia mua cổ phần sẽ làm thay đổi diện mạo của doanh nghiệp Việt Nam?
- Khi bỏ tiền để mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có tính toán, kỳ vọng về khả năng sinh lời. Việc tham gia của các nhà đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi cơ cấu hoạt động, đặc biệt là thay đổi cách thức quản lý, cơ cấu quản trị và nhân sự.
Nếu như các tập đoàn nước ngoài vào và áp dụng chuẩn mực quản trị tốt, không chỉ giúp chính doanh nghiệp đó phát triển mà còn là tấm gương, thực tiễn tốt, điển hình, tạo áp lực để doanh nghiệp khác phải thay đổi theo. Nói cách khác, khi có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài, sức ép cạnh tranh, thay đổi với doanh nghiệp trong nước cũng tăng lên.
Thực tiễn cũng chứng minh, khi có các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước đã học hỏi kỹ năng, cách thức quản lý, quản trị, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm để tăng sức cạnh tranh hơn trên thị trường.
* Dù luôn nói cần thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, nhưng cũng có dư luận tiếc nuối khi cho rằng sao lại bán đi những "con gà đẻ trứng vàng" như Sabeco hay Vinamilk?
- Không nên có quan điểm như vậy, bởi có thể kéo lùi quá trình cổ phần hóa mà chúng ta đang cần thúc đẩy mạnh mẽ. Thu ngân sách là từ thuế, gồm thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt... Nếu nhà đầu tư vào mà giúp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, số tiền thuế mà Nhà nước thu được từ doanh nghiệp đó có thể tăng gấp 2-3, đó cũng là đóng góp.
Có thể lâu nay doah nghiệp vẫn nộp lợi nhuận về ngân sách. Nhưng khi bán đi, Nhà nước sẽ được một khoản tiền và nếu sử dụng khoản tiền đó hiệu quả, tạo ra giá trị sinh lời cho kinh tế - xã hội nhiều hơn lợi nhuận thu về, chắc chắn sẽ hiệu quả và bền vững hơn là tiếp tục giữ doanh nghiệp đó.
Cần kiên trì với quan điểm Nhà nước không nên đi "bán bia, bán sữa" hay các sản phẩm khác, mà phải thực hiện đúng chức năng của mình. Thoái vốn triệt để ở những lĩnh vực không cần nắm giữ mới là nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
Các nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần của Sabeco - Ảnh: D.PHAN
* Quan điểm ông thế nào về những lo ngại như Việt Nam có thể mất đi những thương hiệu quốc gia như Sabeco hay Vinamilk khi bán cho nhà đầu tư nước ngoài?
- Tôi cho rằng đó chỉ là biện minh cho sự chần chừ, thậm chí là trì hoãn và làm chậm lại quá trình cổ phần hóa, là cách giải thích không phù hợp. Khi bỏ ra hàng tỉ USD để mua cổ phần doanh nghiệp Việt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua cả thương hiệu, thị trường, hệ thống phân phối rất rộng lớn của doanh nghiệp đó để phát triển, chứ chẳng ai dại gì bỏ tiền ra mua rồi đập bỏ đi cả.
Chỉ khi một thương hiệu nào đó không tạo ra tiền, họ mới thay thế, còn những thương hiệu đang tạo ra lợi thế lớn cho nhà đầu tư, chẳng ai đi đập bỏ và thay thế. Lý doa là trong kinh doanh, quan trọng là lợi ích mang lại cho nhà đầu tư. Do đó, tôi không lo ngại về câu chuyện mất thương hiệu.
Đồ họa: VĨ CƯỜNG
* Vậy theo ông, vấn đề đáng quan tâm sau khi Nhà nước thoái vốn khỏi những doanh nghiệp được xem như những "con gà đẻ trứng vàng" như Sabeco hay Vinamilk là gì?
- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 vừa rồi đã khẳng định tất cả số vốn nhà nước thoái được từ việc cổ phần hóa đều phải được đưa vào sử dụng cho đầu tư phát triển, chứ không được sử dụng vào chi tiêu thường xuyên.
Tuy nhiên, theo tôi, cũng nên giới hạn lại trong những lĩnh vực hẹp hơn, là đầu tư phát triển hạ tầng. Trong đó phải lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách nhất, có khả năng sinh lợi nhất, tạo tác động lan tỏa.
Đó phải là những dự án ưu tiên của ưu tiên, trọng điểm của trọng điểm. Điều quan trọng hơn nữa là phải công khai, minh bạch cho người dân biết quá trình chi tiêu, chứ không nên hòa vào ngân sách chung.
Cũng không nên rót tiền vào các dự án đầu tư kinh doanh khác, như hỗ trợ doanh nghiệp, mà phải tạo ra một tài sản có giá trị cho Nhà nước, bởi đầu tư hạ tầng là chuyện cấp bách. Hơn nữa, muốn hỗ trợ doanh nghiệp phải tập trung xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, hạn chế rào cản, chứ không phải đưa tiền một cách bao cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận