Thử thách nói không với túi nylon - Ảnh: BTC
Trong 21 ngày liên tiếp, người chơi nhận chuỗi thử thách liên quan đến việc giảm thiểu, loại bỏ dần sản phẩm nhựa dùng một lần (như bao nylon, ống hút, hộp xốp, muỗng nĩa nhựa, nước đóng chai…). Sau 24 giờ hoàn thành thử thách, người chơi chụp ảnh và đăng lên trang mạng xã hội cá nhân để bạn bè hiểu về ý nghĩa môi trường của thử thách đó.
Chiến dịch do tổ chức CHANGE Việt Nam tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch.
Trải qua bài kiểm tra "vết chân rác thải nhựa", bạn Nhật Lệ chia sẻ: "Tôi rất bất ngờ khi biết bản thân thải gần 9kg rác nhựa vào môi trường mỗi năm. Từ đây, chiến dịch cũng gợi ý cho tôi các giải pháp thay thế để ít tác động vào tự nhiên hơn".
Đại diện ban tổ chức cho biết: "Sau ba ngày phát động, đã có hơn 100 bạn trẻ tham gia, mục tiêu là 400 người sau 21 ngày, trong đó có nghệ sĩ, người nổi tiếng để phổ biến chiến dịch cho cộng đồng".
Hạn chế muỗng, nĩa, dĩa nhựa dùng một lần - Ảnh: BTC
Hoàn thành ít nhất 2/7 thử thách, người chơi mới có cơ hội nhận phần thưởng như xe đạp, máy đọc sách, máy lọc không khí; hoàn thành 15/21 thử thách sẽ có cơ hội du lịch trọn gói đến xứ sở xanh sạch Singapore. Ngoài ra còn 90 giải khuyến khích chia đều cho ba tuần như các sản phẩm , voucher ăn uống tại các địa điểm thân thiện môi trường. Chiến dịch tiếp tục đặt ra thử thách đến ngày 16-7.
Trong tháng 6, đại sứ và lãnh sự các nước tại VN bắt đầu kế hoạch cắt giảm sản phẩm nhựa ở công sở do ý thức tình trạng trầm trọng của rác thải nhựa tới "sức khỏe" đại dương và con người.
Nhiều nghiên cứu ước tính có khoảng 8,8 triệu tấn rác nhựa hòa vào đại dương mỗi năm. Việt Nam là một trong năm quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới với khoảng 1,8 triệu tấn/năm.
Theo nghiên cứu được tiến hành đầu năm 2017 công bố trên tạp chí Orbmedia, hạt nhựa siêu nhỏ được tìm thấy trong 83% mẫu nước lấy từ vòi ở châu Âu, Indonesia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Liban, Uganda. Hạt nhựa siêu nhỏ có kích thước 0,1 - 5mm và phân bố khoảng dưới 57 hạt/lít nước.
Việc tiếp xúc thường xuyên với các hoá chất trong đồ nhựa dùng một lần (như BPA, styrene) sẽ gây ra nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết và vô sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận