Mới đầu năm học mà phụ huynh lớp 1/2 của trường này phải đóng 10 triệu đồng tiền quỹ/người - bằng cả tháng lương đối với nhiều ngành nghề hiện nay.
Tình trạng lạm thu vào đầu năm học không phải năm nay mới xuất hiện. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong xã hội, làm cho phụ huynh mất niềm tin vào ngành giáo dục - đào tạo.
Xét về khía cạnh pháp lý, quỹ phụ huynh là do các phụ huynh vận động, tự thu và tự chi. Tuy nhiên, khoản tiền này dùng cho những việc có liên quan đến nhà trường thì không thể không nhắc đến vai trò của hiệu trưởng.
Chỉ chưa đầy 1 tháng, lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà đã tiêu hết hơn 260 triệu đồng tiền quỹ. Trong đó, có những khoản chi lớn cho việc sửa chữa phòng học.
Vậy câu hỏi đặt ra là nếu không được sự cho phép của nhà trường thì phụ huynh có dám tiến hành lát nền, sơn tường, lắp máy lạnh... hay không?
Hiệu trưởng là người được đào tạo chuyên môn, được Nhà nước giao trọng trách quản lý đồng thời tổ chức dạy và học cho cả trường. Hiệu trưởng không thể để cho phụ huynh muốn làm gì thì làm trong ngôi trường của mình!
Khi phụ huynh xin đầu tư cơ sở vật chất, hơn ai hết người hiệu trưởng phải nắm được kế hoạch cụ thể. Trong đó bao gồm những hạng mục gì, vận động số tiền bao nhiêu, thi công như thế nào để đảm bảo an toàn...
Bởi tất cả những việc này đều diễn ra trong khuôn viên trường học mà người quản lý cao nhất chính là hiệu trưởng.
Hơn thế nữa, nếu được sự quán triệt của hiệu trưởng, liệu các giáo viên chủ nhiệm có dám để cho phụ huynh thu quỹ quá khủng, quá bất hợp lý hay không?
Dĩ nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Trong thời kỳ hội nhập, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục như hiện nay, hiệu trưởng các trường phổ thông đang phải chịu rất nhiều áp lực.
Ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục thì eo hẹp nhưng họ phải lèo lái "con tàu" nhà trường đi lên. Họ không chỉ lo chuyên môn.
Làm sao để giáo viên dạy tốt, học sinh học tập hiệu quả, chất lượng giáo dục tăng cao. Mà nặng gánh hơn, họ phải lo xây dựng cơ sở vật chất khang trang; mua sắm được những trang thiết bị dạy học hiện đại...
Và trên thực tế, trường nào thực hiện xã hội hóa tốt (bao gồm cả việc vận động đóng góp về trí lực chứ không chỉ là vật lực) thì trường đó phát triển rất nhanh.
Nhưng xã hội hóa phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và phải phù hợp.
Việc xã hội hóa nên xuất phát từ nhu cầu thực tế dạy và học; chi phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình học sinh; mức chi cho từng khoản cũng cần phù hợp với giá cả thực tế trên thị trường chứ không bị "đội" lên ở mức ngất ngưởng.
Nên có một quy định cụ thể về khen thưởng - chế tài các hiệu trưởng trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục. Nếu để tình trạng lạm thu diễn ra, hiệu trưởng sẽ bị kỷ luật ở mức cao nhất.
Nếu các cấp quản lý làm được điều này, có lẽ "bài ca lạm thu" đã không thể "đến hẹn lại lên" như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận