Tôm hùm trọng lượng từ 1kg - 1,5kg/ con chết hàng loạt tại xã Vạn Thanh (huyện Vạn Ninh) - Ảnh: THÀNH HUY
Vừa gượng dậy sau thiệt hại khủng khiếp của cơn bão 12 (tháng 11-2017), hàng trăm người dân nuôi thủy sản bằng lồng bè ở huyện Vạn Ninh lại phải đối mặt với cảnh nợ nần, khi tôm hùm, cá bớp đến ngày thu hoạch chết hàng loạt.
Vớt tôm bán với giá bèo
Anh Trương Văn Việt, người dân nuôi tôm hùm tại xã Vạn Hưng cho biết sau bão số 12, gia đình thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng. Để tái sản xuất, gia đình anh tiếp tục cầm cố hết tài sản, vay ngân hàng làm lại lồng bè và mua 10.000 con tôm giống.
Sau gần một năm, đến nay tôm hùm đạt trọng lượng khoảng 1,kg -1,5kg. Trong lúc cả nhà đang háo hức chờ thêm khoảng một tháng nữa sẽ xuất bán trả lãi ngân hàng thì đùng cái, tôm chết.
"Cách đây bốn hôm, sau cơn mưa tôi ngủ dậy thì thấy tôm bắt đầu ngớp, nổi lên mặt nước rồi chết dần, sau đó cứ mỗi ngày có khoảng 50-80 con chết. Không biết xử lý thế nào, ba ngày qua tôi đành phải thuê 6 thợ lặn vớt tôm lên bán cho thương lái với giá bèo để vớt vát đôi chút"- anh Việt kể.
Cũng chung tình cảnh tương tự, gia đình anh Ngô Tiến Sử (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) phải bán 5.000 con tôm hùm khi trọng lượng mới chỉ 0,7kg cho thương lái. "Bình thường giá tôm khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg, nay tôm non và chết nhiều nên thương lái chỉ mua từ 200.000 - 400.000 đồng/kg" – anh Sử xót xa.
Lại lâm nợ
Chị Trần Thị Thúy Phi, cán bộ khuyến nông xã Vạn Thạnh cho biết sau cơn bão số 12, toàn bộ lồng bè nuôi ở xã mất trắng 100%. Sau bão 12, người dân hầu hết đều vay ngân hàng để tiếp tục nuôi thủy sản nhưng với sự cố tôm, cá chết hàng loạt như vậy người dân ở đây lại tiếp tục lâm vào cảnh nợ nần.
Theo anh Sử: vụ nuôi này, gia đình anh thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng. Trong khi đó, anh Việt nói:" Tôi ước tính thiệt hại khoảng 4 tỉ đồng, giờ trắng tay, không biết làm sao".
Không chỉ tôm hùm chết hàng loạt, anh Nguyễn Văn Hữu (thôn Đầm Môn) cho biết anh nuôi 500-600 con cá bớp ở vịnh Vân Phong, nhưng mấy ngày qua cá cũng chết trắng. "Bình thường giá cá bớp khoảng 180.000 đồng/kg nhưng nay giá chỉ 80.000/kg. Cá bán đầy chợ mà không ai mua" - anh Hữu buồn rầu.
Người dân vớt tôm, cá lên tại làng bè xã Vạn Thanh (huyện Vạn Ninh) - Ảnh: THÁI THỊNH
Người dân lâm vào cảnh trắng tay sau khi tôm chết hàng loạt - Ảnh: THÀNH HUY
Không cứu được
Ông Đặng Tri Thông, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, cho biết ngay sau khi tôm cá chết hàng loạt, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung đã tiến hành quan trắc, phân tích mẫu chất lượng nước thì xác định nguyên nhân cá, tôm chết do hàm lượng oxy hòa tan trong nước chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm. Quá trình xử lý thức ăn không đảm bảo.
Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung, giải pháp hiện tại là khuyến cáo người dân nên nuôi tôm với mật độ phù hợp, giãn cách lồng nuôi và không đặt lồng nuôi quá gần bờ.
"Huyện đã khuyến cáo với người dân nên mua các bình sục khí để xử lý tạm thời. Tuy nhiên, khi áp dụng cũng không phát huy tác dụng do không gian, môi trường biển rộng" - ông Thông nói.
Nuôi ngoài vùng quy hoạch
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, hiện toàn huyện có khoảng 9.800 ô, lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở các địa phương như Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Giã...
Theo ông Võ Lục Phẩm, phó chủ tịch huyện Vạn Ninh: có một thực tế rất khó để kiểm soát là hiện nay người dân cố tình nuôi ngoài vùng quy hoạch nên việc kiểm soát dịch bệnh không an toàn. Huyện cũng đã đưa cano ra tận lồng bè đề vận động người dân nhưng không hiệu quả.
Lồng bè nuôi thủy sản ngoài vùng quy hoạch trên vịnh Vân Phong - Ảnh: THÁI THỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận