TTCT - Các đợt cắt giảm lao động liên tiếp từ cuối năm 2022 đến nay khiến "thủ phủ nhà trọ" của TP.HCM rơi vào cảnh đìu hiu, hàng ngàn lao động tự do cung cấp dịch vụ cho công nhân cũng khó khăn theo. Trở lại "thủ phủ nhà trọ" của TP.HCMTrận mưa như trút một buổi chiều cuối tháng 5 phần nào làm nguôi bớt sự oi bức, ngột ngạt. Dọc theo hẻm 58 đường số 5 (P.Tân Tạo, quận Bình Tân), hơn chục tấm biển "còn phòng", "còn phòng dưới đất", "cho thuê phòng trọ" được treo ngay tầm mắt. Hơn chục dãy trọ trên con hẻm chưa đầy 70m đang có hơn 1/4 phòng trống, một số khu nhà trọ có quá nửa phòng không có người thuê.Bà Mỳ treo bảng "còn phòng dưới đất" để chờ người thuê. Ảnh: CÔNG TRIỆUBà Đào Thị Mỳ (chủ một dãy trọ ở hẻm 58) cho biết trong 15 năm kinh doanh phòng trọ, đây là lần đầu dãy trọ của bà có phòng trống. Trước đây, công nhân muốn thuê trọ chỗ bà Mỳ phải đặt cọc giữ phòng, chủ nhà kén khách nên tìm hiểu về tính cách, thái độ, đạo đức, công việc của khách rồi mới cho thuê. Nhưng từ sau Tết đến giờ, khu trọ của bà Mỳ "ế mốc ế meo", hiện có 4/15 phòng trong dãy trọ để trống. "Hôm qua còn nghe công nhân một phòng khác nói đang đợi giấy của công ty, chắc cũng trả phòng trọ về quê. Vậy là thêm phòng trống", bà Mỳ nói.Dãy trọ của bà Trần Thị Thuật (đường số 5, phường Tân Tạo) có 42 phòng, nhưng 10 phòng trống suốt 2 tháng nay, 3 phòng đang chờ quyết định của công ty, 2 phòng khác có công nhân đang thất nghiệp nên xin ở thêm vài hôm nữa, nếu không tìm được việc làm thì sẽ trả phòng. Mặc dù biết năm nay kinh tế khó khăn, bà Thuật đã chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn sốc trước thực tế khi công nhân lần lượt trả phòng về quê mà người mới tới thuê trọ thì không thấy. Ở quầy tạp hóa của bà Thuật, các quyển sổ ghi nợ của công nhân ngày một dài hơn. Các khoản nợ không còn là nước ngọt, bia, bánh kẹo mà ken đặc các khoản mua nợ cơm gạo.Tình trạng trống phòng cũng diễn ra ở hầu hết các dãy nhà trọ xung quanh Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân - nơi vốn được xem là "thủ phủ" phòng trọ của TP.HCM. Từ các khu trọ cao cấp tới những phòng trọ cho công nhân, từ phòng trệt cho tới nhà lầu... đều chung tình cảnh "ế".Tiệm cà phê, quán ăn, nhà hàng... từ bình dân cho đến tầm trung, cao cấp quanh khu vực "thủ phủ" trọ của TP.HCM cũng buồn hiu, vắng vẻ. Từ 11h đến 14h ngày cuối tuần mà quán cà phê Amigo (đường Trần Thanh Mại, quận Bình Tân) chỉ có 4 người khách. Trà My (nhân viên phục vụ quán) cho biết trước kia luôn thiếu chỗ cho khách ngồi vào những ngày cuối tuần nhưng thời gian gần đây lượng khách đã giảm hẳn.Cách đó mấy chục mét, anh Vũ Quang Thắng (40 tuổi, quê Nghệ An) đang bày biện lại tiệm tạp hóa. Anh Thắng trước là công nhân một xưởng in rồi thất nghiệp, mở tiệm tạp hóa ở khu đông công nhân để kiếm thêm thu nhập. Từ cuối năm ngoái đến nay, công nhân bị giãn việc, mất việc nhiều nên chi tiêu dè sẻn, tiệm tạp hóa của anh chỉ bán được những mặt hàng thiết yếu như nước tương, mắm, mì gói nhưng cũng ngày càng ít khách. Ngày nào may mắn thì bán được vài trăm ngàn, có khi cả buổi chỉ bán được chai nước 10.000 đồng, có tháng không đủ tiền thuê mặt bằng. Để thoát cảnh ế ẩm ăn thâm đồng vốn, anh Thắng định đóng cửa tiệm tạp hóa và nộp đơn xin việc trở lại. Nghe ở đâu có tuyển dụng là anh gửi hồ sơ đến, từ Tân Tạo sang Vĩnh Lộc, về Thủ Đức, rồi tận Long An nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm. Giảm giá phòng, chi hoa hồng cho người giới thiệu kháchNhiều chủ nhà trọ giảm đến 30% giá thuê phòng để giảm thiểu tối đa phòng trọ trống. Trước dịch, mỗi phòng trọ bà Mỳ cho thuê 1,3 triệu đồng/phòng/tháng, nay giảm giá còn 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng. Người thuê mới được giảm liền 150.000 đồng cho tháng đầu tiên, người ở trọ giới thiệu thêm người mới thuê phòng được "chia hoa hồng" từ 50.000 tới 200.000 đồng, "có thể nhận tiền mặt hoặc trừ vào tiền nhà tháng sau".Tuy nhiên, nhiều chủ nhà trọ tại quận Bình Tân tâm sự họ thực sự áp lực nếu tình hình này cứ mãi tiếp diễn. Với mức giá nhà trọ từ 700.000 đồng/phòng/tháng, trong khi đó là vô vàn loại phí, thuế, từ phí rác, thuế nhà đất... và trong tình huống bắt buộc phải tiếp tục giảm giá để kéo khách thì họ sẵn sàng đóng cửa nhà trọ để "nhẹ đầu". Quán cà phê Amigo vẫn vắng không một bóng khách vào ngày cuối tuần. Ảnh: CÔNG TRIỆUNhững cuộc chia tayBà Năm, chuyên bán bánh mì dạo ở khu vực phường An Lạc (quận Bình Tân), nói rằng gần đây, thu nhập của công nhân giảm, người mất việc nhiều khiến những người buôn gánh bán bưng cho công nhân như bà cũng bị ảnh hưởng. Hơn 25 năm bán bánh mì quanh Khu công nghiệp Tân Tạo, chưa khi nào bà chứng kiến cảnh tượng công nhân, người lao động đắn đo, chắt chiu, tằn tiện từng đồng như gần đây. Có người trước đây thường mua một ổ bánh mì thịt hay trứng gà ốp la vào buổi sáng thì nay hai công nhân mua một ổ hay chỉ mua ổ bánh mì không. Đó là chưa kể nhiều công nhân thất nghiệp, không tìm được việc làm mới nên cũng xoay ra buôn bán hủ tiếu, bánh mì đủ kiểu khiến lượng khách bị chia năm xẻ bảy. Trước đây, mỗi ngày bà Năm lãi được vài trăm ngàn nhưng nay lãi được 100.000 đồng đã là may mắn. Mới vài ngày trước, một nhóm công nhân chạy sang mua của bà 6 ổ bánh mì đầy đủ rau thịt, họ nói là để liên hoan chia tay vì mới nhận được thông báo ngưng hợp đồng. Bà Năm đãi nhóm khách quen lần cuối cùng vì biết về sau khó có cơ hội gặp lại.Buổi chia tay của vợ chồng anh Ngọc Truyền (50 tuổi) và chị Kim Liên (44 tuổi, cùng quê Trà Vinh) với bà chủ trọ đã gắn bó hơn 12 năm trời cứ bịn rịn. Bên nào cũng tranh được trả tiền, đãi mời nhau chai nước thay lời cám ơn. Hai vợ chồng anh Truyền đều là công nhân Công ty giày PouYuen. Chị Liên mất việc cách đây 2 năm, nay đến lượt anh Truyền nằm trong danh sách phải chấm dứt hợp đồng lao động. Trong khi chỉ còn hơn 2 năm đóng bảo hiểm xã hội nữa là anh Truyền đủ tiêu chuẩn hưởng lương hưu. Vợ chồng anh Truyền chở nhau đi khắp TP.HCM xin việc mong được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để giữ lương hưu khi về già. Tuy nhiên, số nơi tuyển công nhân không nhiều, hễ nghe ở đâu có tuyển, anh bỏ cả bữa cơm chạy đến. Ngặt nỗi hai vợ chồng lớn tuổi nên không thể đáp ứng được điều kiện về độ tuổi khi tuyển dụng. Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định về quê làm nông. "Trước mắt sẽ về ở tạm nhà cậu em chứ ở quê thì cũng không có nhà cửa gì cả", anh Truyền nói, ngước mặt nhìn lên trời.■ Quý 1-2023, cả nước có gần 149.000 người thất nghiệpTheo số liệu báo cáo của các trung tâm dịch vụ việc làm, năm 2022 số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp toàn quốc là 983.810 người, tăng 22,68% so với năm 2021. Theo Trung tâm dịch vụ quốc gia về việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng trong quý 1-2023, với khoảng 146.000 hồ sơ. Đặc biệt trong tháng 3 vừa qua, số hồ sơ tăng hơn 60 - 70% so với tháng 2, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.Bốn tháng đầu năm 2023, cả nước có gần 370.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng 20,06% so với cùng kỳ, tại TP.HCM con số này là gần 36.000 người, giảm 14,2% so với cùng kỳ.Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1-2023 cả nước có gần 149.000 người thất nghiệp. Các địa phương giãn việc, nghỉ việc nhiều là Thanh Hóa 62.400 người, Bình Dương khoảng 36.400 người, TP.HCM khoảng 19.800 người, Bắc Giang 16.000 người… 55,2% lao động bị mất việc thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, tập trung ở một số thủ phủ công nghiệp như Đồng Nai khoảng 32.600 người, Bình Dương khoảng 21.700 người, Bắc Ninh khoảng 14.000 người, Bắc Giang khoảng 7.700 người.Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Nguyễn Văn Lâm nhận định thị trường lao động tại TP.HCM thời gian tới vẫn sẽ trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách phục hồi đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động. Khó khăn rơi vào nhóm doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như dệt may - giày da, bất động sản, xây dựng, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ… Tags: Công nhân thất nghiệpNhà trọThủ phủ nhà trọSa thảiCông nhânNgười lao độngCho thuê phòngKinh tế khó khănTìm vệcThất nghiệpVề quê
Bầu cử Mỹ: 'Nước Pháp sẵn sàng làm việc với chính quyền Trump mới' NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Ông Trump và bà Harris đều giành được 3 phiếu tại Dixville Notch, bang New Hampshire, nơi mở cửa điểm bầu cử từ 0h.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.