23/05/2019 06:49 GMT+7

'Thủ phủ' heo Đồng Nai cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, nên không?

S.ĐỊNH
S.ĐỊNH

TTO - Dịch tả heo châu Phi lan ra 37 tỉnh thành. 'Thủ phủ' heo Đồng Nai có giải pháp thu mua, giết mổ heo và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy. Giải pháp này có nên không?

Thủ phủ heo Đồng Nai cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, nên không? - Ảnh 1.

Công nhân giết mổ heo tại lò giết mổ heo tập trung Thy Thọ, thị xã Long Khánh, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Cấp đông thịt heo là giải pháp cho tình huống xấu nhất khi dịch lan rộng. Còn lúc này, heo trong vùng dịch bệnh nếu kiểm tra huyết thanh an toàn vẫn nên cho tiêu thụ bình thường. Đây là một giải pháp thoáng hơn trong vận chuyển tiêu thụ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi và giảm áp lực dịch bệnh.

Ông Trần Văn Quang (chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai)

Ông Dương Minh Dũng - giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai - cho biết ngành công thương được giao tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ heo và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch tả heo châu Phi (ASF) và cân đối nguồn thịt heo cho các tháng cuối năm. 

Sau khi làm việc với các doanh nghiệp, đa số đều nhất trí thực hiện việc thu mua, giết mổ, cấp trữ đông nếu chính quyền có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Thuê kho cấp đông, dự trữ nguồn thịt

Sở Công thương Đồng Nai cho biết trên địa bàn chỉ có doanh nghiệp đầu tư hệ thống cấp đông với công suất thấp phục vụ cho sản xuất chế biến các sản phẩm, còn doanh nghiệp đầu tư hệ thống cấp đông quy mô lớn chưa có. 

Vì vậy, sở đang xây dựng các phương án trình UBND tỉnh Đồng Nai như hỗ trợ giá thu mua heo hơi, chi phí giết mổ, chi phí cấp đông. Đồng thời lên phương án thuê kho cấp đông tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) hoặc thuê kho chưa sử dụng hết công suất tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Sau đó, Sở Công thương và các sở chuyên ngành sẽ thẩm định nguồn thu mua heo không mắc bệnh của doanh nghiệp, trước khi giết mổ, cấp trữ đông.

Về giải pháp cấp trữ đông thịt heo vào thời điểm này, lãnh đạo Sở Công thương Đồng Nai cho hay phương án cấp trữ đông thịt sẽ giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung cấp thịt heo, ổn định thị trường...

Nói thêm về việc cấp đông thịt, ông Trần Văn Quang - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai - kiến nghị: "Nhà nước phải can thiệp bằng giải pháp thu mua, cấp đông, dự trữ để giảm thiệt hại. Còn không thì cứ phải dập dịch, tiêu hủy và nhiều hệ lụy về môi trường, chi phí xử lý...". 

Ông Quang nhận định mấu chốt là năng lực giết mổ và cấp đông nhưng các doanh nghiệp ở tỉnh thừa nhận không đủ năng lực. Hệ thống kho trên địa bàn tỉnh chỉ bảo quản lạnh chứ không có cấp đông. Do vậy mà các doanh nghiệp cho rằng trong trường hợp tỉnh Đồng Nai hỗ trợ chi phí thì doanh nghiệp hưởng ứng bằng việc thuê kho cấp đông ở nơi khác.

Thủ phủ heo Đồng Nai cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, nên không? - Ảnh 3.

Đồ họa: V.CƯỜNG

Lo giá heo nhập quá rẻ

Trong khi đó, ông Phạm Đức Bình - một người nuôi heo nổi tiếng ở Đồng Nai - đưa ra nhận định từ thực tế: "Việc đặt ra cấp đông thịt heo tôi thấy không khả thi bởi công nghệ này ở mình hiện nay chưa có, chỉ ở mức trữ đông thôi. Hơn nữa, người Việt không quen xài thịt lạnh và giá nhập khẩu thịt lạnh hiện chỉ từ 26.000 - 30.000 đồng/kg".

Ông Bình cho rằng giải pháp cấp đông chỉ gây tốn thêm tiền hỗ trợ lãi suất, giá cạnh tranh không lại thịt nhập... nên đây không phải là vấn đề cốt lõi để giải quyết. 

"Nếu tìm hiểu giá thịt nhập bao nhiêu hiện nay thì sẽ dễ so sánh để quyết định có nên cấp đông hay không. Theo tôi, giá heo hơi hiện nay 38.000 - 40.000 đồng/kg vẫn tốt và tiêu thụ bình thường. Như vậy, hộ nuôi nào, dù trong vùng dịch, nhưng heo không bệnh vẫn cho tiêu thụ thì đó là cách giải quyết, còn cấp đông là không nên" - ông Bình khẳng định.

Ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết: "Nếu giá xuống thấp, lượng cung quá nhiều chúng ta mới nên nghĩ đến chuyện cấp đông. Theo tôi, lúc này không nên tổ chức cấp đông vì chúng ta không phải dư thịt heo. Hơn nữa, trong tình hình dịch như vậy, ta tổ chức cấp đông thì cũng khó kiểm soát được từng con heo nên rất nguy hiểm... Cái chính là làm sao để người dân không hoang mang và người chăn nuôi ở vùng dịch vẫn tiêu thụ được heo không bệnh là cách tốt nhất".

Mặt khác, theo ông Công, trong tình hình dịch kéo dài và đàn heo giảm như hiện nay thì sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nguồn thịt. Do vậy, Bộ NN&PTNT tính toán tăng nuôi gà để có nguồn thịt dự trữ.

Dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở Bình Dương, "áp sát" TP.HCM

TTO - Sau khi xuất hiện tại Đồng Nai, Bình Phước, dịch tả heo châu Phi vừa xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại tỉnh Bình Dương.

S.ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên