Quán cà phê vỉa hè nổi tiếng ở Paris - Café de Flore thu hút đông đảo du khách - Nguồn: Internet |
Theo bạn đọc Hà Nguyên, đây là hình thức không mới tuy nhiên nó có tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thành phần kinh tế và có thể áp dụng đối với VN.
Để công luận góp thêm một góc nhìn, dưới đây là bài viết của bạn đọc Hà Nguyên:
Thu phí vỉa hè: một con số không nhỏ
Chủ đề “lập lại trật tự vỉa hè” những ngày qua đã trở nên rất “nóng” trên các báo mạng và làm dấy lên nhiều cuộc bàn luận trong công chúng.
Với hơn 10 triệu mét vuông vỉa hè ở TP.HCM, chỉ cần thu phí khoảng một phần ba hay một phần tư số đó là có thể có được ít nhất 300 - 450 tỉ đồng mỗi tháng, cả năm là trên dưới 4.000 tỉ đồng. Một con số không nhỏ". |
Hà Nguyên |
Sau một loạt động thái quyết liệt của chính quyền các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội trong việc lập lại trật tự vỉa hè bằng việc ra quân, xuống đường khá rầm rộ, mấy ngày gần đây người ta thấy xuất hiện một số đề xuất việc thu phí sử dụng vỉa hè như một nguồn thu ngân sách mới cho địa phương.
Đề xuất thu phí sử dụng vỉa hè có vẻ khá mới mẻ với công chúng, song thật ra đã có chủ trương từ cách đây vài năm và chính thức được phê duyệt khi Luật phí và lệ phí được thông qua vào tháng 11-2015. Theo đó, những người bán hàng trên vỉa hè, đậu xe trên lòng đường sẽ phải thực hiện đóng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo mức phí được hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ban hành.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy có bất cứ văn bản chính thức nào hướng dẫn cụ thể về mức phí này. Những đề xuất thu phí mà một số ý kiến nêu ra trên báo chí trong mấy ngày vừa qua giống như sự thăm dò dư luận khi đưa ra một số mức phí giả định 50.000 đồng hay 150.000 đồng cho mỗi mét vuông vỉa hè cho thuê mỗi tháng.
Các đề xuất này chỉ ra rằng với hơn 10 triệu mét vuông vỉa hè ở TP.HCM, chỉ cần thu phí khoảng một phần ba hay một phần tư số đó là có thể có được ít nhất 300-450 tỉ đồng mỗi tháng, cả năm là trên dưới 4.000 tỉ đồng. Một con số không nhỏ.
Chưa kể đến nguồn thu từ việc thu phí đỗ xe ở lề đường theo giờ đã bắt đầu rục rịch triển khai thử nghiệm hẳn cũng sẽ là một con số không nhỏ, bởi số lượng phương tiện giao thông cá nhân ở VN rất lớn, bao gồm hàng triệu xe máy và ít nhất 500.000 - 600.000 ôtô đang tăng lên nhanh chóng ở mỗi thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Phí sử dụng vỉa hè ở Paris
Thực tế, một số nước trên thế giới có thu phí sử dụng vỉa hè và phí đỗ xe ở lề đường tính theo giờ. Ở Pháp, các quán cà phê và nhà hàng sử dụng vỉa hè để kinh doanh đều phải xin phép và phải trả phí, tùy theo khu vực và địa hình.
Càng vị trí trung tâm, càng đắc địa thì mức phí càng cao. Ví dụ, trên những phố lớn đắt đỏ nhất Paris như đại lộ Champs-Elysées được xếp loại "siêu hạng" (hors catégorie), mức phí thuê dưới 1/3 vỉa hè để đặt bàn ghế cố định xấp xỉ 100 euro/m2/năm, trên 1/3 vỉa hè và ở các phố đi bộ là 300 euro/m2/năm.
Còn các phố được xếp hạng từ 1 đến 4, mức phí sẽ rẻ dần đi, từ 218 euro đến 130, 50 hay 17 euro/m2/năm...
Nếu có mái che, vách ngăn riêng sẽ chịu thêm phí. Các biển hiệu quảng cáo cũng chịu phí 2,5 euro đến 500, 1.000 euro/năm, tùy loại, kích cỡ và tùy theo khu vực.
Các quầy hay giá để hàng sử dụng một phần diện tích của vỉa hè cũng phải chịu phí từ 12 euro đến 200 euro/năm, tùy theo phần diện tích vỉa hè sử dụng và tùy từng khu vực...
Người Pháp rất thích ngồi quán uống cà phê hay nhấm nháp bữa trưa, bữa tối ở các quán có một phần không gian ngoài vỉa hè (gọi là "terrasse"), nhất là vào những ngày đẹp trời.
Cảnh tượng những quán cà phê vỉa hè náo nhiệt, ấm cúng và lãng mạn đã là một phần không thể thiếu của nước Pháp, rất đặc trưng cho văn hóa Pháp, mang tính biểu tượng không kém gì tháp Eiffel hay sông Seine. "Terrasse" có thể coi là một yếu tố quyết định mang tính sống còn đến sức hút của quán. Theo thống kê, trên 50% quán cà phê và nhà hàng ở Paris có "terrasse".
Những quán cà phê nổi tiếng nhất Paris như Café de la Paix, Café de Flore, La Rotonde, Le Dôme ... đều có "terrasse" rộng tới vài trăm mét vuông ngoài vỉa hè hay trên một quảng trường nhỏ.
Phí sử dụng vỉa hè mang lại cho thành phố Paris mỗi năm một nguồn thu khoảng 50 triệu euro. Phí đỗ xe bên lề đường tính theo giờ đối với ôtô dao động 1,5 - 4 euro/giờ, mang lại hơn 100 triệu euro mỗi năm.
Việc thu phí do một bộ phận chuyên trách của thành phố quản lý. Tất cả đều nộp về ngân sách, đóng góp vào tổng số hơn 7 tỉ euro ngân sách hằng năm của Paris và góp phần vào việc chỉnh trang, duy trì hạ tầng và dịch vụ công ích của thành phố.
Áp dụng thu phí vỉa hè ở VN, được không?
Chủ trương thu phí sử dụng vỉa hè và lòng đường của VN có lẽ cũng dựa trên nghiên cứu và học hỏi cách làm của các nước. Tuy nhiên, khi áp dụng vào VN sẽ có những đặc thù riêng cần phải tính đến.
Thói quen tiêu dùng, văn hóa bản địa và đặc thù không gian là những yếu tố cơ bản chứa đựng sự khác biệt có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng và áp dụng chính sách thu loại phí này.
Thực tế, phần lớn các quán xá ở Pháp và các nước có sử dụng một phần vỉa hè đều là các quán có chỗ ngồi cố định với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh, có đăng ký kinh doanh chứ không phải là các quán cóc với chiếc bàn con và vài chiếc ghế đẩu, sáng mở - chiều tối dọn đi và có thể biến mất bất cứ khi nào vì "chạy loạn" mỗi khi thấy bóng công an hay dân phòng đi kiểm tra trật tự như ở VN.
Các quán cà phê và nhà hàng ở VN, nhất là ở miền Bắc, do đặc thù khí hậu khắc nghiệt xứ nhiệt đới và đường sá có phần bụi bặm, có xu hướng ít chú trọng khai thác phần không gian ngoài trời, mà chủ yếu tập trung cho phần không gian bên trong.
Các đối tượng sử dụng vỉa hè nhiều nhất, theo như quan sát, phần lớn là các cửa hiệu nhỏ bán tạp hóa, giày dép, quần áo, hàng quà vặt, ăn sáng, bán hoa; sạp hoa quả...
Ngoài ra, một lượng lớn người bán hàng rong len lỏi khắp thành phố cũng là những đối tượng sử dụng vỉa hè với mật độ lớn.
Chưa kể tới các "chợ cóc" hình thành tự phát đáp ứng nhu cầu đi chợ tiện lợi ngay gần nhà của người dân sống ở các khu dân cư đông đúc.
Như thế ngoài các doanh nghiệp, các văn phòng, nhà hàng, khách sạn... sử dụng mặt tiền nhà phố để quảng cáo có thể là đối tượng phải nộp phí treo biển quảng cáo theo như mô hình thu phí của Pháp, điều dễ thấy phần lớn người bám vỉa hè để mưu sinh ở VN là các tiểu thương và những người bán hàng rong có thu nhập thấp, thậm chí bấp bênh, không ổn định.
Bởi vậy nếu việc thu phí sử dụng vỉa hè đối với các đối tượng này được đưa vào áp dụng, mức phí cần được nghiên cứu xem xét sao cho phù hợp để không trở thành một khoản chi phí lớn, một gánh nặng thêm cho việc mưu sinh của họ.
Cũng như cần đảm bảo rằng sẽ không có tình trạng vẫn có những khoản thu không chính thức khác mà họ tiếp tục phải trả để có thể sử dụng vỉa hè, dù đã nộp khoản phí theo quy định mới của thành phố.
Mức phí đề ra cần được nghiên cứu tính toán để đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử, không quá chênh lệch với các loại phí khác nói chung. Một tiêu chí có thể tham khảo khi xác định phí sử dụng vỉa hè là dựa giá thuê mặt bằng kinh doanh tại từng khu vực.
Chẳng hạn, tại những khu vực được xếp loại "ngoại hạng" như đại lộ Champs-Elysées ở Paris, giá thuê mặt bằng trung bình 10.000 - 13.000 euro/m2/năm và phí sử dụng vỉa hè 100 - 300 euro/m2/năm, tức là khoảng 0,07 - 3% so với giá thuê mặt bằng kinh doanh.
Ý tưởng về một công ty chuyên trách thu phí sử dụng vỉa hè và lòng đường như một vài người đưa ra đề xuất có lẽ là cần thiết, song việc quản lý và giám sát tốt việc thu phí và sử dụng nguồn thu này cho hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí cũng cần được xem xét cân nhắc, tránh hiện tượng nguồn thu từ phí sử dụng hạ tầng cơ sở thuộc sở hữu toàn dân nhưng lại được khai thác và đem lại nguồn lợi cho tư nhân như đã xảy ra trong một số lĩnh vực.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận