Nhằm góp thêm góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo giới thiệu ý kiến sau đây:
Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ không thể không tính đến việc giải quyết đời sống dân sinh cho một bộ phận người dân là đối tượng đã được luật pháp điều chỉnh, bao gồm người dân TP.HCM và cả người ngoại thành đến.
Đó là mục tiêu, chủ trương của TP.HCM từ nhiều năm nay.
Trước đây, UBND TP.HCM từng có kế hoạch giao UBND các quận, huyện chấn chỉnh tình trạng chợ tự phát, lấn chiếm trái phép vỉa hè, lòng lề đường để tụ tập, buôn bán.
Duy trì trật tự vỉa hè được tái lập phải song song với việc sử dụng có hiệu quả như thế nào để vừa đảm bảo nét mỹ quan đường phố, thành phố, vừa giải quyết được một bộ phận người dân bị luật pháp điều chỉnh vừa nêu trên.
Vấn đề thu phí vỉa hè phải được đặt ra.
Tôi rất đồng tình về chủ trương này và dư luận cũng đã bàn tán, hiến kế nhiều phương án, giải pháp thực hiện về vấn đề này.
Có người đem cả mô hình thủ đô Paris (Pháp) để tham khảo và áp dụng tùy theo điều kiện thực tế của TP.HCM.
Có người ước tính cụ thể rằng: với trên 10 triệu km2 vỉa hè TP.HCM, chỉ cần thu 1/3 hay 1/4 mức phí giả định mà báo chí thăm dò theo giá thời điểm trước đây (thu từ 50.000 - 150.000 đồng/m2/tháng) thì số tiền thu mỗi năm là trên dưới 4.000 - 5.000 tỉ đồng.
Một con số đóng góp cho ngân sách TP.HCM không nhỏ chút nào.
Cũng có dư luận tỏ ra nghi ngại sự bất cập việc thu phí vỉa hè.
Đòi lại sự thông thoáng vỉa hè cho người đi bộ, chính quyền đã "xóa sổ" được nạn bảo kê, tham nhũng vỉa hè, nay lại thu phí thì việc làm này có khác gì trước đây, làm ảnh hưởng đến uy tín nhà nước.
Tôi nghĩ, thực ra về hình thức và nội dung hẳn khác xa, bởi về chủ trương chính sách và mục tiêu mà TP.HCM theo đuổi để từng bước tái lập trật tự đô thị.
Sự so sánh có tính định tính vậy là khập khiễng, giống như việc so sánh giữa "chơi đề" và mua "vé số kiến thiết". Tham nhũng, bảo kê vỉa hè trước đây phục vụ cho nhóm lợi ích, còn thu phí là để phục vụ lại cho người dân, không muốn nói là nếu chính quyền làm tốt hơn sẽ giúp đỡ cho một bộ phận dân nghèo có công ăn việc làm ổn định.
Thu phí vỉa hè không phải là ý tưởng mới. Đây là nội dung được quy định trong Luật phí và lệ phí được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2015.
Theo đó, điểm 1.2, khoản 1, mục V, phần A của Phụ lục số 01 được ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí 2015: Quốc hội giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ban hành mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè. Luật phí và lệ phí 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2017.
Như vậy, khi nào Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố thì những người kinh doanh trên vỉa hè, đậu xe lề đường… phải thực hiện việc đóng loại phí này.
Các địa phương cần thiết nhanh chóng vào cuộc, tạo một hành lang pháp lý để giữ vững thành quả trước đây đã đạt được, đồng thời sớm ổn định vỉa hè cũng như đời sống dân sinh một bộ phận người nghèo.
Giành lại vỉa hè cho người đi bộ rồi xã hội hóa, không hẳn cứng nhắc là vỉa hè chỉ để "ông đi qua bà đi lại" ngắm nghía một cách đơn điệu, buồn tẻ mỗi sáng mỗi chiều. Khách bộ hành, những người dạo phố đôi khi thèm một ly cà phê, ly kem, một tô phở hay tiện tay mua sắm áo quần chẳng hạn tại sao không?
Chúng ta lại không dành 1/3 vỉa hè (tất nhiên có quy hoạch, có thu phí) cho họ ngồi lại vừa thưởng thức hương vị ẩm thực đường phố hay mua sắm cái gì đó, vừa ngắm nhìn vỉa hè, đường phố sạch đẹp, thành phố hiện đại, văn minh… vừa giải quyết chén cơm manh áo cho một bộ phận người nghèo mà vỉa hè vẫn đảm bảo cho người đi bộ, trong đó có sự góp sức của người dân cùng với chính quyền trong khu vực.
Thực hiện xã hội hóa vỉa hè ở TP.HCM chắc chắn sẽ được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.
NGUYỄN MINH ÚT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận