22/05/2015 10:50 GMT+7

Thu phí trên quốc lộ: Bộ GTVT nói không có chuyện 
phí chồng phí

 TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định như vậy trong báo cáo gửi Thủ tướng về các trạm thu phí dự án BOT trên hệ thống quốc lộ.

Quốc lộ 1. Ảnh tư liệu TT

Về chính sách thu phí sử dụng đường bộ, ngoài các quy định liên quan, Bộ GTVT dẫn thông tư của Bộ Tài chính. 

Theo đó, trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT thống nhất ý kiến với UBND tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với quốc lộ), UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương).

Bộ trưởng Thăng cho biết trong quá trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ GTVT đều có văn bản thỏa thuận với UBND cấp tỉnh, các bộ có liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT và được UBND cấp tỉnh và bộ có liên quan thỏa thuận bằng văn bản.

Trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở điều kiện thực tế của từng dự án, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư chỉ đạo tư vấn kiểm tra, khảo sát kỹ hiện trường để lựa chọn vị trí trạm thu phí cho phù hợp.

Sau đó, Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính thống nhất bằng văn bản trước khi xây dựng trạm thu phí theo đúng quy định.

Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm thu phí BOT (mỗi trạm thu phí có một thông tư riêng của Bộ Tài chính quy định). Trên cơ sở này nhà đầu tư sẽ tổ chức thực hiện.

Theo Bộ trưởng Thăng, điều 49 Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rất rõ: Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì hệ thống đường quốc lộ và địa phương được bảo đảm từ Quỹ bảo trì đường bộ.

Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì đường chuyên dụng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân quản lý khai thác chịu trách nhiệm.

Để hướng dẫn nội dung nguồn tài chính để quản lý, bảo trì các loại đường bộ theo quy định tại Luật giao thông đường bộ, Bộ Tài chính đã ban hành hai thông tư thu phí sử dụng đường bộ.

Theo đó, việc thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện theo hai phương thức: thu theo đầu phương tiện do đơn vị đăng kiểm thực hiện và thu trực tiếp tại các trạm BOT do các nhà đầu tư BOT thực hiện.

“Quy định như trên là phù hợp và không có việc phí chồng phí vì phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp tại các trạm BOT do nhà đầu tư dự án BOT thu dùng để hoàn vốn đầu tư và chi cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ hình thành từ các dự án BOT; phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện do đơn vị đăng kiểm thu dùng để chi cho công tác quản lý, bảo trì quốc lộ và đường địa phương do Nhà nước đầu tư (không bao gồm các dự án BOT đường bộ và không dùng để hoàn vốn đầu tư).

Thực tế hiện nay, Bộ Tài chính vẫn phải cấp bù từ ngân sách hằng năm cho công tác duy tu, bảo trì các tuyến  quốc lộ do nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện không đáp ứng đủ yêu cầu” - ông Thăng khẳng định.

96 trạm thu phí trên quốc lộ

Báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết hiện nay, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT).

Trong đó, có 45 trạm thu phí đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT; có 51 trạm thu phí chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (khoảng từ nay đến năm 2018).

Trong số 96 trạm, có 83 trạm do Bộ GTVT ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT.

Việc thành lập các trạm thu phí để thu phí đối với các dự án BOT nêu trên đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, có sự đồng thuận của địa phương liên quan.

 

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên