Phóng to |
Nhiều trang nhạc số vẫn tiếp tục cho tải nhạc miễn phí, và phần mềm Zing Mp3 trên điện thoại cho phép người dùng tải miễn phí cả ca khúc bán trên Zing Store - Ảnh: L.T.S. |
Ngày 1-11 - thời hạn ấn định thu phí 1.000 đồng/lượt tải nhạc theo thỏa thuận giữa MV Corp., đại diện Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, và các trang nhạc số chiếm lĩnh thị trường - đã đến. Trái ngược với thông cáo báo chí đầy lạc quan của MV Corp., nhiều thay đổi đã diễn ra trên các trang nhạc số theo hướng... không có thay đổi gì.
Thỏa sức tải nhạc
Cho đến chiều 1-11, khi truy cập các trang có tên trong danh sách website sẽ thu phí tải nhạc như Zing Mp3, Nhaccuatui, Nhac.vui..., người sử dụng vẫn có thể download dễ dàng các tác phẩm âm nhạc mà không hề bị ngăn chặn, cũng không nhận được cảnh báo nào. Thậm chí, nếu trước đây phần tải nhạc của Zing Mp3 “tế nhị” núp dưới một nút bấm “Tải nhạc” thì nay nó đã được thiết kế nổi bật, đầy kích thích với hình ảnh chiếc giỏ siêu thị và nội dung “Tải nhạc (miễn phí)”. Phần có tính phí cũng được hiển thị nổi bật là “Nhạc nền Zing Me” - cái đã được Zing triển khai từ lâu trong phạm vi nội bộ.
Trước đó, những người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đã tư vấn cho nhau tải các phần mềm Zing Mp3, Nhaccuatui, Socbay 4U (có nhiều phiên bản dành cho các thiết bị chạy hệ điều hành Android, iOS) vào máy để tải được nhạc từ hệ thống của Zing, Nhaccuatui, Socbay. Người cẩn thận hơn còn dặn nhau không nâng cấp các phần mềm này để tránh việc phần mềm nâng cấp sẽ loại bỏ chức năng cho phép download. Họ đã lo quá xa bởi đến lúc này vẫn không có phiên bản nâng cấp nào xuất hiện trên AppStore hay GooglePlay. Các phần mềm hiện hữu đương nhiên vẫn tiếp tục giúp người sử dụng download tác phẩm bất kỳ trong kho dữ liệu lên đến cả triệu bản ghi của các trang nhạc số, kể cả những tác phẩm nằm trong danh sách được bán.
Diễn biến có lẽ nằm ngoài dự kiến của các đơn vị: một số người dùng “tốt bụng” đã download, đóng gói hàng ngàn tác phẩm âm nhạc, album tải được từ các trang nhạc số Việt Nam và đưa ngược lên những trang chia sẻ file của nước ngoài để “giúp bạn vượt khó”.
Sản phẩm bày bán chưa hấp dẫn
Bản thông cáo báo chí của MV Corp. phát đi chiều 31-10 được xem là một bước lùi rõ rệt so với những tuyên bố, động thái mạnh mẽ trước đó cho mục tiêu thu phí. Theo đó, ngày 1-11 là thời điểm các trang nhạc số “thử nghiệm mô hình thu phí” và quá trình này sẽ kéo dài đến hết năm 2012, dự kiến chính thức triển khai vào đầu năm 2013.
Cũng từ bản thông cáo báo chí, điều khiến người trong nghề băn khoăn bấy lâu - phương thức thanh toán - đã chứng tỏ là một rào cản đáng kể. Hầu hết khách hàng tải nhạc hiện nay của các trang nhạc số là giới trẻ, bao gồm nhiều bạn chưa đủ tuổi tậu cho mình một chiếc thẻ tín dụng hay thẻ thanh toán. Hệ thống thanh toán của nhiều trang mạng hiện nay cũng chưa thể trích tiền từ tài khoản thẻ quốc tế - bỏ rơi một lượng lớn khách hàng tiềm năng từ nước ngoài vốn vẫn thường xuyên truy cập, tải nhạc (ngoại) từ các nguồn Việt Nam. Phương thức thu phí qua tổng đài nhắn tin, thẻ cào điện thoại từ lâu đã bị chỉ ra là chỉ mang lại lợi ích cho Telcos (nhà mạng viễn thông), sau đó là CP (nhà cung cấp nội dung số) chứ không giúp gì nhiều cho chủ sở hữu tác phẩm bởi khoản tiền thực tế về đến tay tác giả, nghệ sĩ, đơn vị giữ bản quyền, sau khi bị chia năm xẻ bảy là không đáng kể.
Ở một chiều hướng khác, việc thu phí vẫn chưa thể triển khai có thể vì sản phẩm bày bán chưa đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng. 100 album chọn lọc (đều là album cũ) mang ra bán trong đợt này được giới thiệu đã được chuẩn hóa - chất lượng 320kbps, đầy đủ ID3 tags (ảnh bìa, tên ca sĩ, tác giả, hãng sản xuất...) - hầu như chỉ có thể hấp dẫn dân sành nhạc, với những yêu cầu khắt khe về âm thanh, thông tin (nhóm đối tượng này phần lớn lại chọn mua đĩa gốc). Với người dùng phổ thông, nghe nhạc trên các thiết bị thông thường, sẽ không có sự khác biệt đáng kể nào giữa chuẩn âm thanh 320kbps và 128kbps. Các thiết bị như điện thoại phổ thông cũng không có khả năng đọc hoặc hiển thị đầy đủ thông tin ID3 của các bản ghi. Trả 1.000 đồng (phải qua vài bước thủ tục) để tải một tác phẩm không có nhiều ưu điểm “nghe/thấy được” sẽ chưa phải là lựa chọn của khách hàng, ít nhất trong thời điểm này.
Vẫn nghe là chính
Theo xác nhận của đại diện một trang nhạc số lớn thì hầu hết người sử dụng vào mạng chủ yếu nghe nhạc chứ không phải để download. Với mục tiêu download, họ sẽ “Search Google” và tải trọn vẹn album. Nguồn thu chủ lực của các website nhạc số hiện vẫn từ quảng cáo. “Giả thiết nếu buộc phải chặn chức năng tải nhạc thì đối với chúng tôi càng có lợi vì đỡ phải tốn bandwidth (lưu lượng dữ liệu truyền tải)” - ông nói. Những nội dung bàn luận quanh chuyện thu phí tải nhạc trên các diễn đàn cũng không đến mức căng thẳng bởi “miễn vẫn được nghe miễn phí thì không sao”.
Khi nhu cầu của khán giả là nghe miễn phí và các trang nhạc số vẫn đáp ứng điều đó thì động tác thu phí 1.000 đồng/lượt tải, áp dụng từ ngày 1-11 dù dưới dạng thử nghiệm hay chính thức cũng không ảnh hưởng gì nhiều, chủ yếu mang tính biểu tượng. Song dù chỉ mang tính biểu tượng, dù khả năng mang lại lợi ích thật sự vẫn còn xa phía trước thì việc xác định với nhau rõ ràng chuyện “tiền trao cháo múc” cũng đã là một bước tiến trên hành trình chống vi phạm bản quyền. Yêu cầu bức thiết, chính đáng của các nhạc sĩ về chuyện thu phí cả đối với việc nghe nhạc trực tuyến xem ra vẫn còn phải chờ những bước tiến tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận