Nhiều người dân, chuyên gia giao thông đã đưa ra những ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường.
Người dân băn khoăn: nên cho thuê lòng đường, vỉa hè hay không?
Theo Sở GTVT TP.HCM, dự thảo thay thế quyết định số 74/2008 lần này có một số nội dung đáng lưu ý như quy định rõ về bảy trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải đóng phí.
Cụ thể gồm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa, điểm bố trí các công trình và tiện ích phục vụ công cộng có thu tiền sử dụng, điểm bố trí lắp đặt các công trình tạm, điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa...
Sở GTVT TP.HCM cho biết quy định mới về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố này nhằm quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố của hệ thống đường bộ bảo đảm an toàn, hiệu quả và tăng mỹ quan đô thị.
Không chỉ vậy, TP.HCM cũng sẽ tính đến việc phân cấp quản lý, chịu trách nhiệm cao nhất đối với khai thác, quản lý, bảo trì vỉa hè, lòng đường.
Những ngày qua, phóng viên Tuổi Trẻ cũng ghi nhận thực tế hàng loạt tuyến đường quận 1, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức... bị chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán, giữ xe.
Một số tuyến đường như Đề Thám, Lý Tự Trọng trên vỉa hè thì buôn bán còn dưới lòng đường thì thành nơi đậu ô tô. Người dân phải đi bộ xuống giữa đường, rất nguy hiểm.
"Trước mắt, cơ quan chức năng dẹp hẳn tình trạng chiếm dụng, trả lối đi cho dân. Sau đó rà soát những nơi nào đủ điều kiện, đủ diện tích thì mới tiến hành cho sử dụng tạm thu phí.
Nguồn kinh phí thu được phải phục vụ công tác bảo trì vỉa hè, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, phát triển giao thông công cộng phục vụ người dân đi lại một cách công khai, minh bạch" - chị Huỳnh Thị Thanh Hòa, một người dân ở quận 1, chia sẻ.
Trong khi đó, anh Doãn Minh (quận Bình Thạnh) lại cho rằng vỉa hè và lòng đường được xây dựng để phục vụ cho người dân đi lại chứ không nên phục vụ buôn bán, quảng cáo.
Hơn nữa, ở TP.HCM, việc phân cấp quản lý vỉa hè, lòng đường giữa các đơn vị chưa rõ ràng. Nếu triển khai thu phí thì ai kiểm soát để đảm bảo hộ kinh doanh không chiếm dụng luôn 100% diện tích vỉa hè?
Việc thu phí giao cho đơn vị nào? Điều này dễ dẫn tới vỉa hè, lòng đường ngày càng lộn xộn, khó quản lý được.
Thay vào đó, nên quy hoạch các khu vực kinh doanh riêng biệt, không cho kinh doanh ở mặt tiền giao thông.
Bố trí thế nào?
Trước những ý kiến nêu trên, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban an toàn giao thông TP.HCM - chia sẻ đề xuất của Sở GTVT TP.HCM là hoàn toàn hợp lý, trong đó nêu rõ sẽ ưu tiên đảm bảo mục đích giao thông trên vỉa hè, lòng đường.
Sở GTVT TP.HCM cũng đã yêu cầu các địa phương rà soát và chỉ cho sử dụng tạm có thu phí đối với những tuyến đường đủ điều kiện và nhu cầu sử dụng cao.
Đơn vị có thể tính toán khảo sát thêm ý kiến người dân trong khu vực dự kiến thu phí để đảm bảo hài hòa, không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Khi thực hiện tốt tất cả những điểm này, việc quản lý vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM chắc chắn hiệu quả hơn và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP.HCM.
Trong tương lai sẽ hạn chế tối đa tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đậu xe tràn lan trên lòng đường như hiện nay.
Về mức phí quy định, ông Phúc cho rằng nên tiến hành khảo sát để nắm bắt ý kiến người dân, hộ kinh doanh, cơ quan quản lý địa phương... nhằm đưa ra mức phí hợp lý nhất.
"Song song quá trình triển khai thu phí, cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình lấn chiếm sai quy định hoặc chống đối đơn vị thu phí", ông Phúc nói.
Đề án của Sở GTVT TP.HCM cũng nêu rõ điều kiện sử dụng tạm thời một phần vỉa hè vào mục đích khác phải đảm bảo dành ít nhất 1,5m cho người đi bộ, nếu vỉa hè hiện hữu không đảm bảo chiều rộng thì phải có lộ trình thay thế tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Còn việc sử dụng tạm lòng đường ngoài mục đích giao thông phải đảm bảo lòng đường còn lại đủ bố trí hai làn ô tô cho một chiều lưu thông, đảm bảo kết cấu mặt đường và an toàn cho người đi bộ.
UBND quận 3 đã triển khai từ năm 2022
Đại diện UBND quận 3 cho biết vào năm 2022 đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức quản lý và sắp xếp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận.
Đối với các tuyến đường nằm trong danh mục của UBND cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí quận đã giao UBND các phường, Công an quận, Đội quản lý trật tự đô thị phối hợp, tổ chức thực hiện.
Các tuyến đường nằm ngoài danh mục thì giao Phòng quản lý đô thị tham mưu UBND quận có văn bản gửi TP hướng dẫn thực hiện.
Hiện quận có 15 tuyến đường, khu vực đang triển khai gồm Võ Thị Sáu, Hoàng Sa, Lý Chính Thắng, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thông, Công trường Dân Chủ, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Tú Xương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Pasteur.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận