29/04/2019 09:40 GMT+7

Thu phí không dừng sẽ bị 'vỡ trận'?

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Nhìn ôtô xếp hàng dài trước các trạm thu phí trong những ngày nghỉ lễ mới thấy lo cho bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bởi Thủ tướng đã giao bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về triển khai thu phí không dừng.

Thu phí không dừng sẽ bị vỡ trận? - Ảnh 1.

Trạm thu phí TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiếm xe chạy bên làn thu phí tự động (ảnh chụp ngày 7-2-2019) - Ảnh: T.T.D.

Nhưng lo cho bộ trưởng một, lo cho quá trình minh bạch trong thu phí ở các trạm BOT gấp mười. Dư luận luôn nghi ngờ về khả năng thất thoát phí, nhưng giải pháp khắc phục là dùng công nghệ có giám sát của Tổng cục Đường bộ lại chưa được xã hội hưởng ứng.

Hạn chót phải thực hiện thu phí không dừng là cuối năm 2019. Thời gian không còn nhiều vì chủ trương phải thu phí không dừng được đưa ra từ năm 2017 nhưng quá trình thực hiện khá ngổn ngang và có lúc gần như giẫm chân tại chỗ...

Còn nhiều việc phải làm. Trước hết là đầu tư thiết bị cho các trạm thu phí không dừng, kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ để chủ ôtô chỉ sắm một loại thẻ là có thể sử dụng được ở các trạm thu phí trong cả nước...

Với trách nhiệm được giao, dù còn ý kiến khác nhau giữa chủ trạm BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí, cơ quan quản lý... Bộ Giao thông vận tải phải giải quyết xong trước cuối năm 2019.

Nhưng quyết định thành bại của thu phí không dừng lại không phụ thuộc hệ thống vận hành mà là chủ ôtô. Cả nước có 3,8 triệu ôtô nhưng mới có 720.000 ôtô gắn thẻ thu phí không dừng, chủ yếu là chủ xe vận tải hàng hóa và hành khách. Họ dùng dịch vụ thu phí không dừng vì quá tiện lợi, xe không phải xếp hàng khi qua trạm, hạn chế được tài xế gian lận phí...

Còn khoảng 3 triệu ôtô của người dân ở Hà Nội, TP.HCM... không thường xuyên đi trên tuyến quốc lộ, họ chẳng vội vã dán thẻ.

Trong vài tháng khó thuyết phục hàng triệu chủ ôtô hoàn tất dán thẻ thu phí không dừng. Từ năm 2020, tất cả trạm đều là thu không dừng, chỉ duy trì 1 làn thu hỗn hợp (có người thu thủ công) ở mỗi chiều di chuyển.

Thử hỏi khi hầu hết ôtô qua trạm chưa có thẻ thu phí không dừng, tất cả phải xếp hàng ở làn thu phí bằng tiền mặt, sao tránh khỏi tài xế bức xúc, chắc gì mâu thuẫn giữa một số chủ ôtô với trạm BOT lại không bùng phát!?

Còn giả sử tài xế "vui vẻ" xếp hàng vì không muốn trả phí không dừng, nhưng cả triệu ôtô vẫn trả phí bằng tiền mặt, làm sao đạt được mục tiêu minh bạch hóa việc thu phí?

Đến nay, cả Bộ Giao thông vận tải lẫn chủ trạm BOT vẫn chưa đưa ra được giải pháp để chủ ôtô cảm thấy cần phải gắn và dùng thu phí không dừng. Biện pháp bắt buộc gắn thẻ, không gắn sẽ phạt đang nhận được ý kiến không đồng tình.

Các nhóm giải pháp mang tính kinh tế như khuyến mãi, giảm phí... khi gắn thẻ lại chưa được nhắc tới. Tình hình này, không khéo chủ trương thu phí không dừng bị vỡ trận.

Cả xã hội bức xúc vì BOT không minh bạch trong khi các chủ trạm BOT rất sợ bị kiểm soát tiền phí thu được. Dù được trao quyền kiểm soát các chủ trạm BOT qua thu phí không dừng nhưng gần như quyền này chưa được xã hội tận dụng để hóa giải bức xúc.

Nhìn từ vụ các trạm thu phí cho thấy quá trình tiến tới công khai minh bạch là không hề dễ dàng, dù ai cũng đòi hỏi... Nếu Bộ GTVT không quyết liệt, vấn đề bức xúc với trạm BOT đang diễn ra khó có thể khép lại trong thời gian gần.

Gần đến hạn chót, thu phí không dừng vẫn ì ạch, dang dở

TTO - Thu phí tự động không dừng (ETC) đối với ôtô qua trạm BOT được xem là giải pháp minh bạch và thuận tiện cho giao thông nhưng sau 3 năm triển khai vẫn còn dang dở, trong khi hạn chót buộc phải thu phí tự động không dừng đã cận kề: 31-12-2019.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên