Nhân viên VETC làm thủ tục dán thẻ thu phí tự động miễn phí tại Trung tâm đăng kiểm 50-05V - Ảnh: N.ẨN
Có 4 dự án đường cao tốc (4 trạm) của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý (Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành) gặp vướng mắc về nguồn vốn thực hiện ETC. Thủ tướng cho phép tiến độ hoàn thành do Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Chưa thực hiện ETC tại 12 trạm, vì sao?
Với 33 trạm thu phí trên quốc lộ, Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn thêm đơn vị cung cấp dịch vụ ETC là Công ty CP Giao thông số Việt Nam (nền tảng là Tập đoàn Viettel) để triển khai ETC. Vướng mắc trong quá trình thành lập doanh nghiệp dự án của Viettel (đến tháng 7-2020 doanh nghiệp mới được thành lập) ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.
8 trạm có những khó khăn, vướng mắc, thời gian thu phí còn lại ngắn nên Bộ Giao thông Vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng chưa hoặc không thực hiện ETC: 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi, cầu Thái Hà).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan này và nhà cung cấp ETC đã nhiều lần đàm phán với nhà đầu tư nhưng doanh thu của các dự án quá thấp, hiện không đủ để trả lãi vay ngân hàng, nếu triển khai ETC tại thời điểm này sẽ tiếp tục phá vỡ phương án tài chính của dự án BOT và ảnh hưởng xấu tới phương án tài chính dự án ETC.
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng không triển khai ETC 3 trạm thu phí trên quốc lộ 51 do có thời gian thu phí còn lại ngắn, dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2021. 2 trạm thu phí bị một bộ phận người dân phản đối phải ngừng thu phí là trạm Bờ Đậu quốc lộ 3 (Thái Nguyên) và trạm T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ) cũng được kiến nghị tạm dừng.
Với 4 trạm thu phí tại Cà Mau, UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng không triển khai ETC do các trạm này thu phí các cầu có quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư không quá 50 tỉ đồng, xe ít, chủ yếu là xe 2 bánh, lắp đặt ETC có đầu tư lớn sẽ không hiệu quả và phá vỡ phương án tài chính các dự án BOT.
Khoảng 25% ôtô dán thẻ ETAG
Đến nay cả nước có hơn 4,6 triệu ôtô nhưng hiện không có quy định bắt buộc chủ xe phải dán thẻ ETAG để thực hiện ETC. Đến nay mới chỉ có hơn 1 triệu dán thẻ ETAG.
Tuy nhiên theo ông Hồ Trọng Vinh - phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC), nhà đầu tư hệ thống ETC giai đoạn 1, cho biết hiện nay đã có hơn 1 triệu xe dán thẻ ETAG (miễn phí dán thẻ lần đầu) của VETC.
Và điều đáng mừng là tỉ lệ xe dán thẻ sử dụng ETC đã tăng từ 10% lên 46%. Sự gia tăng của trạm thu phí thực hiện ETC trong thời gian qua đã khiến nhiều xe sử dụng ETC hơn so với trước đây có nhiều xe dán thẻ mà không sử dụng.
Về tổ chức dán thẻ, ông Vinh cho biết trước đây VETC có hợp đồng dán thẻ với nhiều trung tâm đăng kiểm nhưng là việc làm thêm của các trung tâm. Trong khi đó, nếu trung tâm đăng kiểm dán thẻ sai, xe qua trạm không thanh toán được phải bóc thẻ dán lại.
Tiền công dán thẻ là 50.000 đồng/xe nhưng người dán sai sẽ bị phạt 300.000 đồng nên nhiều trung tâm đăng kiểm không muốn làm. Do vậy, hiện có khoảng 30% số trung tâm đăng kiểm trong cả nước đang thực hiện dán thẻ ETAG.
Theo ông Vinh, chủ xe có nhu cầu dán thẻ ETAG có thể truy cập website của VETC https://vetc.com.vn để có thông tin hơn 60 điểm dán thẻ đăng ở đây. Ngoài ra, những tổ chức có 5 xe trở lên cần dán thẻ, liên hệ với VETC sẽ cử người đến tận nơi dán thẻ.
Tài xế vẫn muốn... dừng!
Làn thu phí không dừng tại BOT Hà Nội - Hải Phòng vắng vẻ, hơn 1 phút mới có 1 phương tiện đi qua - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tại điểm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hiện nay đơn vị này đã có 5 làn thu phí không dừng (ETC). Trong đó, hướng Thanh Hóa đi Hà Nội có 3 làn ETC; hướng Hà Nội đi Thanh Hóa được bố trí 2 làn ETC.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ trong chiều 15-12, tại trạm thu phí kể trên, lượng xe đi vào làn thu phí bằng sử dụng vé đông hơn hẳn so với làn ETC.
Tại các làn thu phí bằng vé truyền thống, với lượng xe đông, việc dừng lại thu phí, phát vé mất thời gian đã khiến hàng loạt xe phải nối đuôi nhau đợi để đến lượt lấy vé. Còn tại làn ETC, vì lượng xe vào làn này ít hơn, đồng thời xe không phải dừng lại để lấy vé nên tương đối thông thoáng, không có tình trạng ùn tắc, xếp hàng như ở làn thu vé thủ công.
Anh Nguyễn Huy Mạnh (20 tuổi, Hà Nội), nhân viên bán vé tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết làn ETC thường đông xe vào thứ bảy và chủ nhật. Còn những ngày thường trong tuần lượng xe tương đối vắng. "Làn thu phí thủ công đông hơn làn ETC, tình trạng ùn tắc ở làn thu phí thủ công cũng vì thế mà xảy ra thường xuyên hơn" - anh Mạnh nói.
Anh Nguyễn Văn Đan (48 tuổi, Hà Nội), một tài xế taxi, thường xuyên chở khách qua trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết việc thu phí ETC rất tiện cho tài xế khi đi qua các trạm thu phí, không chỉ đỡ mất thời gian chờ cũng như không phải chuẩn bị tiền có mệnh giá nhỏ để mua vé.
"Tôi có xe cá nhân, cũng đã gắn ETAG, việc gắn thẻ khá nhanh, chỉ cần đến cơ quan đăng kiểm tầm hơn 30 phút là được. Tuy nhiên hiện nay, công ty taxi tôi đang làm vẫn chưa lắp thẻ này cho tài xế, điều này rất bất tiện mỗi khi chở khách qua các trạm thu phí" - anh Đan nói thêm.
Trong khi đó, tại trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hướng Hà Nội), theo ghi nhận, hiện nay trên trạm có 3 cửa ETC, trong đó 2 cửa được bố trí ở hướng Hải Phòng - Hà Nội, còn 1 cửa được bố trí theo hướng ngược lại.
Ghi nhận vào thời điểm 18h ngày 15-12, tại trạm thu phí trên, đa số các xe đều đi vào làn thu phí thủ công. Hàng loạt phương tiện ôtô nối đuôi nhau, chờ tới lượt để mua vé qua trạm. Lượng xe đi vào làn ETC thưa thớt, khoảng 1 phút mới có 1 xe đi vào làn này.
Dù thừa nhận việc thu phí ETC trên các tuyến cao tốc hiện nay rất văn minh, tiết kiệm thời gian cho tài xế cũng như công sức của các nhân viên bán vé, thủ tục gắn ETAG cũng đơn giản nhưng anh Nguyễn Văn Hùng (37 tuổi, Hà Đông) nói thi thoảng vào dịp cuối tuần anh mới đi ra các tuyến cao tốc nên không mua vé ETAG. "Nếu xe thường xuyên phải đi qua các trạm thu phí thì nên gắn ETAG" - anh Hùng nói.
Thống nhất thu phí ETC trên các tuyến cao tốc
Chiều 15-12, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức để VETC và Công ty Giải pháp giao thông số Việt Nam (VDTC) - nhà cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 2 - chủ yếu qua các quốc lộ, ký hợp đồng kết nối liên thông trung tâm dữ liệu hệ thống ETC của hai bên để xe dán ETAG của hai công ty này đều liên thông qua các trạm thu phí.
Về mặt kỹ thuật, cả hai hệ thống đều sẵn sàng kết nối liên thông để xe dán thẻ của bên nào cũng đi qua được trạm thu phí sử dụng hệ thống ETC của bên kia.
Trước đó, dịch vụ thu phí tự động trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khác với dịch vụ thu phí ETC trên các tuyến quốc lộ. Do đó chủ xe có thẻ ETC không thể sử dụng trên các đường cao tốc của VEC, buộc phải mua thêm dịch vụ thu phí tự động trên tuyến cao tốc.
Trong chỉ thị "Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí dịch vụ và sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng" ký ngày 7-10-2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có phương án và xây dựng lộ trình, tiến độ triển khai ETC tại các dự án do VEC quản lý để liên thông.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập ở các dự án BOT giao thông ngày 25-11, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với các đơn vị quản lý dự án BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC trích xuất dữ liệu tại các trạm thu phí để xử phạt xe không dán thẻ ETAG nhưng đi vào làn ETC, gây cản trở giao thông; cung cấp thông tin xử phạt cho các cơ quan báo chí để tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp, lên án các hành vi sai trái...
Theo quy định của nghị định 100, hành vi lái xe không đủ điều kiện để thu phí tự động đi vào làn ETC tại các trạm thu phí bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng, tước bằng lái từ 1 - 3 tháng.
TP.HCM đề xuất bắt buộc ôtô dán ETAG
Mới đây trong báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết vẫn còn những hạn chế trong quá trình hoạt động thu phí tự động cũng như những phát sinh một số bất cập, như số xe sử dụng ETC còn thấp, chưa có quy định bắt buộc tất cả các phương tiện phải dán ETC và nộp tiền vào tài khoản trả trước.
Từ đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM kiến nghị Bộ trình cấp thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến việc bắt buộc ôtô phải thực hiện dán thẻ cũng như nộp tiền vào tài khoản trả trước để thanh toán dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng, cũng như để chế tài đối với các trường hợp vi phạm.
Về kết nối liên thông tài khoản giao thông (thu phí) và tài khoản ngân hàng, hệ thống ETC giai đoạn 1 đã hoàn thành việc kết nối tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân tại BIDV, hiện đang mở rộng dịch vụ sang các ngân hàng khác.
Đối với hệ thống ETC giai đoạn 2, hiện Viettel đang tổ chức thực hiện liên thông tài khoản ngân hàng thông qua việc sử dụng ví điện tử Viettelpay, dự kiến đưa dịch vụ vào khai thác trước 31-12-2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận