28/07/2017 14:31 GMT+7

Thu phí bản quyền cần chứng minh ủy quyền?

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định về quyền tác giả, quyền liên quan với nhiều điểm mới nhằm giải quyết những vấn đề còn gây bức xúc trong dư luận vừa qua.

Tiền tác quyền âm nhạc trong Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 đã giảm từ 1,8 tỉ còn 130 triệu đồng sau khi bị phản ứng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tiền tác quyền âm nhạc trong Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 đã giảm từ 1,8 tỉ còn 130 triệu đồng sau khi bị phản ứng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Câu chuyện tiền bản quyền âm nhạc tại lễ hội pháo hoa vừa rồi giảm từ 1,8 tỉ xuống 130 triệu đồng là minh chứng cho mức thu phí bản quyền tùy tiện.

Dự thảo nghị định mới cần quy định rõ mức phân chia tiền bản quyền thu được, hoặc đưa ra giá trần thu phí bản quyền của người sử dụng và giá sàn tối thiểu tác giả được hưởng từ số tiền đó

NSND Trần Bình

Tuy nhiên, những điểm mới ở dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan này còn gây tranh cãi.

Dự thảo vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến, Bộ Tư pháp sẽ thẩm định và trình Chính phủ trong quý 4-2017.

Chứng minh bằng văn bản

Điểm đáng chú ý là dự thảo nghị định đã bổ sung điều khoản quy định về “Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan”.

Trong đó quy định các tổ chức đại diện tập thể có nghĩa vụ xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán với bên khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Dự thảo nghị định nêu rõ với các tác giả chưa ủy quyền, tổ chức đại diện tập thể quyền phải có trách nhiệm liên lạc với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả thì mới được thu tiền bản quyền.

Với các trường hợp không phân chia được tiền tác giả và quyền liên quan vì lý do khách quan, tổ chức đại diện tập thể quyền phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tìm tác giả. Sau 3 năm không tìm được tác giả thì nộp ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Cục Bản quyền tác giả góp ý về dự thảo nghị định, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) đã đề nghị bỏ quy định các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan chỉ được thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan khi có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan (điểm C, khoản 6 điều 43).

VCPMC cũng đề nghị nâng thời hạn 3 năm thành 5 năm tìm tác giả “để phù hợp với điều kiện VN”.

Hơn nữa, tiền bản quyền nếu không được trả cho tác giả, ngoài việc chia cho các tổ chức quốc tế, tổ chức VN được sử dụng cho mục đích phát triển năng lực hoạt động phục vụ các thành viên của mình như: công nghệ, tuyên truyền phổ biến pháp luật...

Song, theo đại diện Cục Bản quyền tác giả thì trước đây VCPMC và nhiều nhạc sĩ đã phản đối Bộ VH-TT&DL đưa ra quy định đơn vị tổ chức khi sử dụng tác phẩm chỉ phải cam kết với đơn vị đăng ký nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức, thay vì phải xin phép, cam kết chi trả nhuận bút, thù lao cho các tác giả.

Vậy nên không thể bỏ quy định tại điểm C, khoản 6 điều 43 trong dự thảo nghị định mới như góp ý của VCPMC.

Kể cả trường hợp nếu đơn vị sử dụng nhờ thu hộ các tác giả chưa ủy quyền thì cũng cần có giấy ủy quyền của tác giả, đại diện tập thể quyền mới được thu.

“Tổ chức đại diện tập thể quyền phải công khai danh sách tác giả và tác phẩm đã ủy quyền khai thác sử dụng.

Khi đã xác định được điều đó mới có thể thu tiền bản quyền” - đại diện Cục Bản quyền tác giả nói về việc thu tiền bản quyền chương trình âm nhạc trên tivi trong khách sạn gây phản ứng trong thời gian qua.

“Nếu không liên hệ được với tác giả và không có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả thì tổ chức đại diện tập thể quyền không thể thu hộ” - đại diện Cục Bản quyền tác giả khẳng định.

Vị này cũng nói với tiền bản quyền sau 3 năm vẫn không tìm được tác giả để trả thì nộp vào ngân sách nhà nước là hợp lý nhất.

Lập biểu phí hợp lý

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Công ty luật quốc tế Thiên Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng quy định để đại diện quyền chấp bút soạn thảo biểu phí cũng là một cách tốt, nhưng biểu phí này nên được xây dựng hằng năm để sát hơn đời sống thực tế.

“Việc đưa ra khung giá trước tiên cần có ý kiến của các chủ thể quyền. Các tổ chức đại diện quyền tác giả có thể đưa ra phương án và xây dựng biểu phí” - luật sư Ngọc phân tích.

Luật sư Ngọc cũng đồng ý với quan điểm của đại diện Cục Bản quyền tác giả rằng quy định tổ chức đại diện tập thể quyền chỉ được thu phí với các tác giả đã ủy quyền bằng văn bản là hợp lý.

“Điều này sẽ làm minh bạch hơn hoạt động ủy quyền của tổ chức đại diện quyền tập thể, tránh xảy ra các tranh chấp, mâu thuẫn với đơn vị sử dụng” - ông Ngọc nói.

NSND Trần Bình, giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN, cho rằng quy định tổ chức đại diện tập thể quyền muốn thu phí phải chứng minh được ủy quyền của tác giả (gồm cả tác giả trong và ngoài nước) là điều bắt buộc.

“Nếu cứ nói rằng không thể trưng ra hết được các giấy tờ ủy quyền như VCPMC làm thời gian qua mà vẫn thu phí bản quyền sẽ khiến các đơn vị sử dụng thấy ấm ức và thiếu minh bạch” - ông Bình nói.

Theo ông Trần Bình, đơn vị lập biểu phí bản quyền phải tổ chức hội thảo, có ý kiến của đầy đủ các bên liên quan như các tác giả, những tổ chức sử dụng bản ghi âm, ghi hình, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, cơ quan quản lý nhà nước và phải được Cục Bản quyền tác giả giám sát chặt chẽ rồi mới tiến hành xây dựng biểu phí.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên