Tàu chở dầu Probo Koala đăng ký ở Panama thuộc sở hữu một công ty Hi Lạp, được Công ty môi giới và thuê tàu Trafigura (trụ sở chính ở Thụy Sĩ) thuê chở chất thải sau khi vệ sinh làm sạch tàu từ Hà Lan đi đổ ở Abidjan (Bờ Biển Ngà) vì chi phí rẻ hơn.
Tháng 8-2006, 581 tấn chất thải được bốc dỡ đến 18 bãi chứa ở Abidjan. Chất thải hôi thối phát khí độc làm 17 người chết và hàng chục ngàn người mắc các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, dị ứng da, rối loạn hô hấp, đau mắt...
Các biện pháp trừng phạt đối với các tội phạm môi trường nghiêm trọng nhất vẫn chưa đủ sức răn đe.
Luật gia Pháp Laurent Neyret
Doanh nghiệp bị kiện xoay đủ kiểu
Trong bài viết với đầu đề "Về thừa nhận tội phạm môi trường" đăng trên tạp chí Pháp Lý Môi Trường, luật gia người Pháp Laurent Neyret ghi nhận tội phạm môi trường gia tăng đáng kể trên thế giới với nhiều hình thức khác nhau, tiêu biểu như vụ vận chuyển chất thải độc hại Probo Koala và vụ khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên ở Madagascar.
Song ông nhận định các biện pháp trừng phạt tội phạm môi trường vẫn chưa đủ mạnh, mà điển hình là vụ Probo Koala. Đến giờ, không có tòa án nào quy trách nhiệm cho Công ty đa quốc gia Trafigura.
Vụ kiện Trafigura như bộ phim dài nhiều tập. Trafigura xoay xở mọi cách để khỏi bị kết án. Đầu tiên, Trafigura thỏa thuận với Bờ Biển Ngà chi 195 triệu USD để khỏi bị truy tố.
Tại phiên tòa ở Bờ Biển Ngà năm 2008, Trafigura thoát nạn, chỉ có đại diện của Xí nghiệp Tommy là đơn vị Bờ Biển Ngà phụ trách bốc dỡ chất thải lãnh án.
Đến năm 2009, văn phòng luật sư Leigh Day & Co ở Anh đại diện cho gần 30.000 nạn nhân đi kiện. Lần này Trafigura thỏa thuận ngầm sẽ chi 33 triệu euro cho các nạn nhân, nên phiên tòa không diễn ra.
Phiên tòa duy nhất buộc tội Trafigura diễn ra ở Hà Lan vào cuối năm 2011. Tòa án ở Amsterdam phán quyết Trafigura bị phạt 1,3 triệu euro (1,7 triệu USD) về tội không thực hiện nghĩa vụ khai báo chất thải độc hại khi vận chuyển, chứ không phải tội gây ô nhiễm môi trường.
Tiền phạt chẳng là bao so với lợi nhuận hằng năm 73 tỉ USD của Trafigura.
Còn Trafigura vẫn khẳng định chất thải không độc hại, chỉ chứa khí mercaptan có mùi lưu huỳnh mạnh (mùi trứng thối) tạo ra "ấn tượng về độc tính" gây ra các triệu chứng. Trafigura dứt khoát không tiết lộ chất thải gồm những thành phần nào.
12 năm sau thảm họa môi trường, các nạn nhân Bờ Biển Ngà tiếp tục đi kiện. Tháng 7-2018, tòa phúc thẩm ở Hà Lan đã bắt đầu thụ lý.
Song dựa vào lực lượng luật sư hùng hậu, Trafigura tuyên bố Liên minh Các nạn nhân chất thải độc hại ở Abidjan và ngoại ô (UVDTAB) không phải là đại diện hợp pháp của các nạn nhân và đã làm sai lệch bệnh án.
Cuối năm 2016, tòa án Hà Lan từng bác đơn của tổ chức này. Lần này UVDTAB phải làm đầy đủ giấy tờ mới xong. Điều quan trọng mà UVDTAB muốn nhắm đến là buộc Trafigura phải thừa nhận trách nhiệm.
Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc đã công bố báo cáo năm 2018 ghi nhận: "Không loại trừ sức khỏe cộng đồng tiếp tục bị ảnh hưởng do phơi nhiễm ban đầu với chất thải năm 2006".
Điều đáng buồn là không có công trình nghiên cứu nào phân tích tác hại lâu dài của chất thải độc hại đối với sức khỏe người dân Bờ Biển Ngà.
Thu gom chất thải độc hại của Công ty Trafigura ở Abidjan - Ảnh: NYT
Xây dựng luật bảo vệ gỗ quý hiếm
Ngày 6-10-2018, tàu hàng Flying treo cờ Panama khởi hành từ Singapore, rồi quay lại đảo quốc Madagascar. Trung tâm Hợp nhất thông tin hàng hải của Madagascar (CFIM) nghi ngờ tàu Flying buôn lậu gỗ trắc (gỗ rosewood Madagascar có tên khoa học Dalbergia spp.).
Ba năm trước, con tàu này từng mang tên Min Feng đã bị chặn vì buôn lậu và xuất khẩu gỗ trắc nhưng chạy thoát.
Sau đó, nhất cử nhất động của tàu Flying đều nằm trong tầm ngắm. Tàu tắt định vị vệ tinh và cứ luẩn quẩn ngoài bờ biển phía đông Madagascar. Sau 57 ngày theo dõi, chiến dịch "cất vó" bắt đầu vào ngày 19-12-2018. Hải quân nước sở tại bắt giữ tàu cùng các thuyền viên Trung Quốc và Thái Lan.
Tháng 3-2019, 15 thuyền viên bị kết án 5 năm tù về tội không tuân lệnh, bỏ chạy và vi phạm quyền đi qua vô hại. Không ai bị kết án tội buôn gỗ quý do khám xét tàu không tìm thấy gỗ. Dự kiến đến giữa tháng 10, tòa phúc thẩm sẽ tuyên án.
Madagascar đã cấm khai thác, vận chuyển, tiếp thị, xuất khẩu gỗ trắc và gỗ mun từ năm 2010. Đến tháng 12-2015, Quốc hội thông qua một văn bản luật được chờ đợi từ lâu: Luật đấu tranh chống buôn bán gỗ trắc.
Trước đó, dự luật đã bị hoãn nhiều lần do một số đại biểu Quốc hội bị nghi ngờ có "kèo" với bọn buôn lậu gỗ.
Luật trừng phạt rất nặng, 20 năm tù cho người mua hàng và người xuất khẩu, 10 năm tù cho người khai thác gỗ. Điều đặc biệt của đạo luật là tòa án đặc biệt chống buôn bán gỗ trắc và gỗ mun được thành lập và hoạt động từ giữa năm 2018.
Madagascar nổi tiếng là địa bàn khai thác, vận chuyển và xuất khẩu gỗ trắc hàng đầu thế giới, bởi gỗ trắc là lĩnh vực làm ăn trị giá nhiều triệu USD.
Gỗ quý được khai thác chủ yếu trong rừng nguyên sinh. Gỗ được chuyển ra mé sông, hoặc đến các cảng cánh hẩu chờ đưa xuống tàu xuất khẩu. Phần lớn tàu chở gỗ có điểm đến là Trung Quốc.
Sang năm 2019, nạn buôn lậu gỗ trắc bắt đầu cáo chung. Nổi cộm là vụ trùm buôn gỗ lừng lẫy Jean-Eddy Maminirina (biệt danh "Eddy gỗ trắc") bị bắt vào tháng 2-2019.
Cùng lúc, nguyên bộ trưởng môi trường Anthelme Ramparany (năm 2014-2015) và thư ký riêng bị bắt vì dính líu đến vụ 29.434 súc gỗ trị giá 50 triệu USD trên tàu MV Oriental Pride bị hải quan Singapore tịch thu năm năm trước.
Cả hai bị truy tố tội thông đồng vận chuyển và xuất khẩu gỗ trắc. Tên cầm đầu bị truy nã từ cuối năm 2017.
Ông Jean-Omer Beriziky, nguyên thủ tướng Madagascar từ năm 2011-2014, nhận xét: "Nếu không trừng phạt, quyền lực nhà nước thực sự thất bại.
Bọn trục lợi lợi dụng điều đó. Người ta chắc chắn biết danh tính bọn buôn gỗ, nhưng chúng đã được những người ở cấp cao hơn bảo vệ".
Bọn khai thác trái phép gỗ trắc trong Vườn quốc gia Masoala (Madagascar) đem giấu gỗ dưới cát mé sông, chờ đưa xuống tàu - Ảnh: Le Monde
Nhắm mắt phạm tội vì lợi nhuận quá khủng
Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) đánh giá tội phạm môi trường mang lại lợi nhuận phi pháp 100-250 tỉ euro mỗi năm.
Riêng buôn lậu gỗ quý hiếm mỗi năm mang lại 30 tỉ USD, đánh cá trái phép mang lại 23 tỉ USD, buôn lậu các loài được bảo vệ mang lại 20 tỉ USD, bọn mafia chuyên chuyển chất thải độc hại đi đổ thu được 27-30 tỉ USD.
Giám đốc điều hành Interpol Tim Morris giải thích: "Loại hình tội phạm môi trường còn liên quan đến rửa tiền, tham nhũng, tội phạm tài chính, bạo lực và giết người. Do đó rất khó đánh giá chính xác lợi nhuận.
Chúng tôi chỉ biết lợi nhuận thu được rất lớn và chi phí khắc phục thiệt hại môi trường không thể nào chịu nổi".
Bao thế hệ người Việt đã thấm tận sâu vào lòng những dòng thơ trác tuyệt Ao thu lạnh lẽo nước trong veo / Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo... của Nguyễn Khuyến, hay man mác hoài niệm cùng Hai đứa trẻ của Thạch Lam, da diết yêu thương với Núi Đôi của Vũ Cao và bi tráng với Quê hương - Giang Nam...
Nhưng từ trang sách ra đời thực thế nào? Nhờ đâu tác giả đã viết được những tác phẩm để đời?
Phóng viên Tuổi Trẻ đi tìm sự thật khuất sau những tác phẩm sống mãi với thời gian.
Mời đọc hồ sơ đặc biệt: Sự thật sau những tác phẩm để đời
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận