28/08/2020 10:18 GMT+7

Thu nhập dưới 2 triệu đồng/người/tháng sẽ thuộc diện hộ nghèo

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Hộ nghèo (giai đoạn 2021-2025) là hộ có thu nhập bình quân dưới 2 triệu đồng/người/tháng (đối với khu vực thành thị) và dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng (khu vực nông thôn)…

Thu nhập dưới 2 triệu đồng/người/tháng sẽ thuộc diện hộ nghèo - Ảnh 1.

Chăn nuôi là một trong những cách để người nghèo ở huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) thoát nghèo - Ảnh: Đ.BÌNH

Đây là nội dung chính của dự thảo nghị định của Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, vừa được Bộ Lao động - thương binh và xã hội trình Chính phủ.

Theo tờ trình, có 2 tiêu chí để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình là tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 12 chỉ số: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin; việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình).

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 1,5 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 2 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng (nông thôn) - 2 triệu đồng (thành thị) và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết với chuẩn nghèo mới (tháng 1-2021) thì cả nước sẽ có khoảng 16,6% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo (gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng với trên 17 triệu người), trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 10,83% (bao gồm 2% hộ nghèo "kinh niên" thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) và 5,77% là hộ cận nghèo.

Ước tính khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 78% so với giai đoạn 2016-2020. 

Cụ thể, ngân sách chi để thực hiện các chính sách giảm nghèo bình quân là 25.000 tỉ đồng/năm (bao gồm ngân sách hỗ trợ chi mua bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục, tiền điện, tín dụng/cấp bù lãi suất, trợ giúp pháp lý...

Từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo cho 7 giai đoạn. Việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,75% (năm 2019) và dự kiến sẽ dưới 3% vào cuối năm 2020. Bình quân giảm 1,53%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là 1-1,5%/năm.

'Không biết số hộ nghèo, bình quân thu nhập thì làm sao tham mưu đúng?'

TTO - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn yêu cầu cán bộ Mặt trận các cấp phải bám sát địa bàn, nắm vững tình hình thực tế.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên