Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất nước
Theo số liệu khảo sát mức sống dân cư năm 2022 được Tổng cục Thống kê công bố vào đầu tháng 4-2024, thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội và TP.HCM trong 10 năm qua tăng lên đáng kể.
Năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng, con số này tăng lên 6,4 triệu đồng/tháng vào cuối năm 2022.
Tương tự, tại TP.HCM thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 2,7 triệu đồng/tháng, tăng lên mức 6,3 triệu đồng/tháng vào năm 2022.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người cả nước trong năm 2022 đạt khoảng 4,6 triệu đồng/tháng, tăng 11,1% so với năm 2021.
Thu nhập của người dân tăng đều ở cả thành thị và nông thôn, thu nhập bình quân của người dân đô thị cả nước đạt gần 5,9 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 3,8 triệu đồng/tháng.
Trong 6 vùng trên cả nước thì Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt khoảng 6,3 triệu đồng/tháng; vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du miền núi phía Bắc, đạt 3,1 triệu đồng/tháng.
Nhóm hộ gia đình giàu nhất (nhóm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân đầu người đạt 10,2 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm hộ nghèo nhất (nhóm 20% dân số nghèo nhất) có thu nhập bình quân đầu người khoảng 1,35 triệu đồng/tháng.
Người dân chi tiêu 2,8 triệu đồng/tháng?
Theo khảo sát của , chi tiêu bình quân đầu người năm 2022 xấp xỉ 2,8 triệu đồng/tháng, giảm so với năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, có thể thấy dưới tác động của dịch COVID-19 các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị. Chi tiêu bình quân đầu người ở thành thị là 3,3 triệu đồng/tháng, trong khi ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/tháng.
Chi đời sống chiếm tỉ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình năm 2022. Chi cho đời sống bình quân một người là 2,7 triệu đồng/tháng, trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người xấp xỉ 1,3 triệu đồng/tháng và không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng.
Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất là 3,2 lần năm 2022. Theo đó, chi tiêu đời sống bình quân đầu người nhóm giàu nhất gần 4,1 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm nghèo nhất khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.
Điểm nổi bật là chênh lệch giữa 2 nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2022 có phần được cải thiện so với năm 2020 (chênh lệch năm 2020 là 5,7 lần) trong đó chủ yếu là do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (5,7 triệu năm 2020 giảm còn 4,1 triệu năm 2022).
Tiêu dùng gạo và lương thực quy gạo tiếp tục giảm, năm 2022 lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng còn 6,9kg, giảm 0,7kg so với năm 2020.
Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng qua các năm, từ 2,3kg/người/tháng năm 2020 lên 2,6kg/người/tháng năm 2022.
Lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu giảm từ 1,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 1,2 lít/người/tháng vào năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 được nghiên cứu trên phạm vi cả nước, quy mô lấy mẫu khảo sát 46.995 hộ gia đình, ở 3.133 xã, phường trên cả nước.
Mức 2,8 triệu đồng/tháng chưa phản ánh đầy đủ chi tiêu của người dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về sự khác biệt giữa GDP bình quân đầu người với thu nhập bình quân đầu người, TS Bùi Trinh (nguyên cán bộ Tổng cục Thống kê) cho biết GDP bình quân đầu người hoàn toàn khác với thu nhập bình quân đầu người hằng năm. Thu nhập bình quân đầu người chỉ chiếm khoảng 57% GDP bình quân đầu người hằng năm, phần còn lại trong GDP bình quân đầu người là thặng dư sản xuất, thuế phí.
Về mức chi tiêu bình quân đầu người năm khoảng 2,8 triệu đồng/tháng theo TS Bùi Trinh chưa phản ánh đầy đủ chi tiêu của người dân, theo số liệu từ hệ thống tài khoản quốc gia thì thu nhập bình quân đầu người đang nhỏ hơn tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, nói cách khác người dân có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn số tiền kiếm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận