
Nếu có thu nhập ổn định tại quê nhà, người lao động sẽ hạn chế đi Bình Dương làm công nhân - Ảnh: KHẮC TÂM
Chiều 28-3, UBND tỉnh Sóc Trăng làm việc với doanh nghiệp để lắng nghe những góp ý, kiến nghị cho tăng trưởng kinh tế 8% như kế hoạch.
Sau khi chia sẻ, đề xuất và "hiến kế" một số vấn đề, liên quan đến tình trạng thiếu hụt lao động, chủ một doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng kể câu chuyện, bà thấy công nhân đang đếm tiền.
Bà hỏi thu nhập một ngày được bao nhiêu. Một nữ công nhân trả lời được hơn 300.000 đồng. Đồng thời cô cho biết chỉ làm tạm, dành dụm chút tiền rồi sẽ đi Bình Dương làm công nhân.
Chủ doanh nghiệp đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh, thu nhập không tệ nhưng tại sao người lao động vẫn muốn đi Bình Dương và một số tỉnh thành khác. Phải chăng do những địa phương này làm truyền thông giỏi, mong muốn lãnh đạo quan tâm tuyên truyền.
Chia sẻ này ngay lập tức được ông Ngô Thái Chân - giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng - "phản ứng" lại. Theo ông Chân, nếu có thu nhập cao, việc làm ổn định và được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác, người lao động ở Sóc Trăng nói riêng và miền Tây nói chung, không ai bỏ xứ để đi làm ăn xa.
"Nếu thu nhập công nhân làm việc ở các tỉnh, thành khác 12 triệu đồng/tháng, chị trả lương 15 triệu, tôi tin chắc chẳng ai bỏ quê mà đi", ông Chân nói.
Theo ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ngoài tiền lương, các doanh nghiệp cần phải có chính sách ưu đãi thu hút người lao động, nhất là lao động nữ, để họ an tâm làm việc.
Ông Lâu cho biết, từ nay đến cuối tháng 4, Sóc Trăng sẽ khánh thành hạ tầng cụm công nghiệp Xây Đá B tại huyện Châu Thành và khu công nghiệp Trần Đề, hứa hẹn giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động.
"Cuối năm nay, tỉnh sẽ khởi công 2 dự án nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, tỉnh đã liên kết với Trường đại học Cần Thơ thành lập phân hiệu Trường đại học Cần Thơ tại Sóc Trăng, và sắp khởi công Trường cao đẳng nghề Việt Nhật, nhằm đào tạo nhân lực tay nghề cao.
Như vậy mới hy vọng giữ chân được người lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế, chứ để bà con đi xa xứ rất tội nghiệp", ông Lâu cho biết.
Hiện tại Sóc Trăng có khu công nghiệp An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) giải quyết việc cho khoảng 22.000 lao động. Thời điểm xảy ra dịch COVID-19, Sóc Trăng có hàng chục ngàn người đi làm ăn xa xứ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận