Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng/tháng.
Đó là một trong những thông tin được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu ra tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2023 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội diễn tại TP Huế chiều 21-7.
Tại hội nghị, ông Lê Văn Thanh, thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, lao động có việc làm tăng hơn 900.000 người so với năm trước, đạt hơn 51,2 triệu người. Trong đó ở khu vực thành thị chiếm hơn 19 triệu người.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 913.200 người, giảm hơn 192.000 người so với năm ngoái.
Ông Thanh cho biết thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,5 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,1 triệu đồng/tháng.
Tuy vậy, theo ông Thanh, thị trường lao động vẫn đang ẩn chứa nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà sức cầu của các thị trường đối với các mặt hàng chính của Việt Nam suy giảm, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm.
"Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn", ông Thanh nói.
Ông Hà Minh Trung, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, tiêu dùng giảm khiến nhiều doanh nghiệp sụt giảm từ 40 - 50% đơn hàng xuất khẩu.
"Nhiều doanh nghiệp kiến nghị xin chậm đóng bảo hiểm xã hội, giảm thuế và xin thêm nhiều chính sách vay ưu đãi", ông Trung nói.
Tại hội nghị, ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết bộ đang tham mưu trình Chính phủ nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người lao động, người có công trong giai đoạn tới.
Theo ông Dung, mục tiêu trong giai đoạn tới của ngành là tham mưu trung ương thay đổi, ban hành chính sách mới về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó chuyển mạnh từ an sinh xã hội sang chính sách xã hội. Chuyển từ chăm lo cho đối tượng yếu thế sang chăm lo cho toàn xã hội, kể cả tầng lớp trung lưu.
Ông Dung cũng nhấn mạnh trong vài ngày tới bộ sẽ trình Chính phủ sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm ngăn làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần.
"Dự kiến trong vài ngày tới, bộ sẽ trình Chính phủ để lấy ý kiến chính thức về 5 giải pháp nhằm hạn chế làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần. Sau khi được Chính phủ đồng thuận sẽ nhờ các cơ quan báo chí đăng tải để lấy ý kiến dư luận về việc này", ông Dung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận